Thực hiện nhiệm vụ tại Nghị định số 08/2009/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 3 năm 2010 quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ); cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ); tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn PCBLGĐ.
Mặc dù, khung pháp lý hướng dẫn về thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở tư vấn về PCBLGĐ đã tương đối đầy đủ nhưng đến nay chưa có địa phương nào thành lập được các cơ sở nêu trên theo đúng quy định hiện hành. Nguyên nhân là do:
Thứ nhất: Năm 2009, Bộ VHTTDL đã khởi động dự án thí điểm xây dựng cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ bằng nguồn kinh phí của nhà nước và nguồn khác (nếu có) làm mô hình mẫu để triển khai trên diện rộng. Song, dự án không được triển khai do không có kinh phí thực hiện. Tương tự như Trung ương, các địa phương cũng không bố trí được kinh phí để xây dựng và vận hành cơ sở này.
Thứ hai: Đầu tư để xây dựng và vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở tư vấn về PCBLGĐ ngoài kinh phí đầu tư ban đầu lớn còn phải có kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên. Việc trợ giúp nạn nhân BLGĐ hiện nay không được thu phí. Các chính sách xã hội hóa chưa thu hút sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp trong xây dựng vận hành các cơ sở nói trên.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập cơ sở nói trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL. Nhưng đến nay, việc thành lập 2 cơ sở nói trên theo đúng quy định của pháp luật về PCBLGĐ vẫn chưa được thực hiện.
Nguyên nhân của những bất cập nêu trên là các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ chưa phát huy được hiệu quả hoặc không được thành lập vì vướng mắc từ những quy định của Luật PCBLGĐ. Cụ thể là, khoản 6 Điều 8 Luật PCBLGĐ quy định cấm “Lợi dụng hoạt động PCBLGĐ để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật”. Khoản 1 và khoản 2 Điều 6 quy định “1. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác PCBLGĐ. 2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động PCBLGĐ; phát triển các mô hình phòng ngừa BLGĐ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.” Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn hoạt động trợ giúp nạn nhân của các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật PCBLGĐ và được quy định tại Chương 5 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009, trong đó, điểm đáng chú ý là để thành lập cơ sở nói trên thì phải đáp ứng điều kiện như có diện tích tối thiểu 30m2, có các cơ sở vật chất tối thiểu, nhân viên phải có chứng nhận về PCBLGĐ.
Việc quy định không được lợi dụng hoạt động PCBLGĐ để trục lợi nhưng Luật không quy định rõ trường hợp nào được coi là trục lợi nên không khuyến khích được xã hội hóa nguồn lực tài chính cho công tác này. Mặt khác, quy định về tiêu chuẩn diện tích phòng, trình độ nghiệp vụ của nhân viên,… cũng khiến không chỉ những tổ chức, cá nhân muốn tham gia thành lập cơ sở nói trên mà ngay cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh cũng vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Mặt khác, điều kiện đảm bảo, đặc biệt là kinh phí cũng không được hỗ trợ như quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ sở khám bệnh, cơ sở chữa bệnh hiện nay cũng chưa có kinh phí dự phòng để trợ giúp nạn nhân BLGĐ, các nhân viên y tế cũng chưa được đào tạo chuyên môn chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân là nạn nhân BLGĐ. Cơ sở bảo trợ xã hội hiện nay cũng gặp tình trạng tương tự. Việc quy định đối tượng nạn nhân BLGĐ tham gia hoạt động bảo trợ xã hội nhưng không có những quy định đặc thù cho nhóm đối tượng này cũng như có chính sách về tài chính, về đào tạo nhân lực dẫn đến việc hỗ trợ nạn nhân BLGĐ tại các cơ sở này chưa thực sự hiệu quả. Các chính sách của Nhà nước với địa chỉ tin cậy ở cộng đồng đến nay hầu như chưa được các địa phương thực hiện.
Trong khi đó, Hội LHPN Việt Nam tổ chức một số mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích cho hội viên, phụ nữ trong đó có phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ. Mô hình Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí tại nhiều tỉnh thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đăk Lăk…đã hoạt động khá hiệu quả, kịp thời tư vấn pháp luật, kiến thức PCBLGĐ cho hội viên, phụ nữ nói chung và nạn nhân BLGĐ nói riêng. Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành thành lập đội can thiệp nhanh tại cơ sở, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ BLGĐ, bảo vệ nạn nhân nhằm kết hợp với tư vấn kiến thức, kỹ năng phòng chống BLGĐ. Mô hình Ngôi nhà bình yên do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thực hiện đã trở thành địa điểm tin cậy trong hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị mua bán, bị BLGĐ phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ, tư vấn về PCBLGĐ ở Việt Nam hiện nay cần sửa đổi những quy định chưa phù hợp với thực tiễn nêu trên trong Luật PCBLGĐ.