Căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa hơn nữa việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL. Đây là bước tiến quan trọng để việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đi vào nề nếp, thực chất và phát huy hiệu quả trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản.
Trong 10 năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới (BĐG) từng bước được hoàn thiện và tiến bộ hơn. Bên cạnh Hiến pháp sửa đổi năm 2013 thì nhiều văn bản Luật quan trọng đã được ban hành, sửa đổi đảm bảo nguyên tắc BĐG như: Luật Phòng, chống mua bán người (2011), Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (2011), Bộ luật Lao động sửa đổi (2012), Luật Việc làm (2013), Luật Đất đai (2013), Luật Hôn nhân và gia đình (2014), Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2015), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (2015), Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2015), Luật Trợ giúp pháp lý (2017),…
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề án, chính sách đã được ban hành nhằm triển khai các biện pháp thúc đẩy BĐG như: Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; Chương trình quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 – 2015; Chương trình hành động quốc gia về BĐG giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020; Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 trong đó có Dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG; Đề án Giảm thiểu tình trạng BLGĐ tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025; Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030; Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm BĐG đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2020; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Các bộ, ngành đã thực hiện và tuân thủ trình tự lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng VBQPPL. Bộ Tư pháp với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra VBQPPL, trong giai đoạn 2011 – 2020 đã chủ trì thẩm định gần 2.000 văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo cơ chế Hội đồng thẩm định hoặc họp tư vấn thẩm định. Tất cả các văn bản trong quá trình thẩm định đều được xem xét lồng ghép trong quá trình soạn thảo của các cơ quan chủ trì soạn thảo.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc lồng ghép và hướng dẫn lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện việc lồng ghép thông qua các văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.