Bạo lực gia đình dù diễn ra ở bất cứ hình thức nào, thì hậu quả của nó để lại cũng hết sức nghiêm trọng. Nạn nhân của bạo lực gia đình không chỉ bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân, các vụ bạo lực gia đình còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội. Những năm qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình với hậu quả nghiêm trọng, gây bất bình trong dư luận xã hội, làm mất an ninh, trật tự và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Nhận thức rõ được điều này trong thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình, trong đó đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Kết quả thực hiện trên các mặt như sau:
Về công tác tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 30/9/2008 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 31/5/2013 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 220/QĐ-UBND ngày 11/02/2015 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”; Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 29/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác gia đình; Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 29/6/2018 về việc triển khai thực hiện “Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình” và nhiều văn bản khác liên quan.
Về công tác tuyên truyền: hàng năm tham mưu chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan Báo, Đài, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, kỷ niệm các Ngày về gia đình như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức Hội thi, hội diễn, chương trình tọa đàm, nói chuyện chuyên đề với nội dung về “Hạnh phúc gia đình”; xây dựng gia đình hạnh phúc thời kỳ CNH-HĐH đất nước; xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống ma túy, mại dâm; “Chăm sóc sức khỏe sinh sản” và “Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Tuyên truyền giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình và Cách ứng xử trong gia đình” tới cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân lao động trên địa bàn tỉnh; công nhân tại Khu công nghiệp huyện Lương Sơn và đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Mai Châu. Kết quả trong 10 năm toàn tỉnh treo được 9.372 lượt băng zôn, khẩu hiệu; 69 hội thi, hội diễn; 5.397 buổi tuyên truyền lưu động và tuyên truyền lồng ghép; 29.316 lượt tuyên truyền trên loa phát thanh; 578 phóng sự, chuyên mục; 1.375 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; 9.547 buổi mít tinh, tọa đàm; 5.124 tin và 82 bài đăng trên Báo Hòa Bình; 440 buổi chiếu phim lưu động với chủ đề về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, ý nghĩa của việc phòng, chống bạo lực gia đình; giúp các thành viên trong gia đình có kiến thức, kỹ năng sống, chủ động phòng ngừa sự xâm nhập của các tai tệ nạn xã hội vào gia đình; xây dựng nếp sống văn minh trong gia đình và cộng đồng xã hội.
Về công tác bồi dưỡng, tập huấn: Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở trong việc triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Từ năm 2008 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn địa phương tổ chức 232 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; trong đó cấp tỉnh 16 lớp cho 1.536 lượt học viên với các nội dung liên quan đến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Nghị định xử phạt và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Chính phủ vv…; tập huấn kỹ năng điều hành tổ chức sinh hoạt mẫu cho Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững.
Về công tác xây dựng mô hình thí điểm phòng, chống bạo lực gia đình: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thí điểm mô hình can thiệp, phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Mông Hóa huyện Kỳ Sơn năm 2008 và tiếp tục chỉ đạo triển khai nhân rộng Mô hình can thiệp, phòng, chống bạo lực gia đình tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Năm 2010 toàn tỉnh đã xây dựng 339 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững đến nay đã có 1.535 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững.
Từ những kết quả trên, tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Theo báo cáo thống kê của các huyện, thành phố năm 2011 toàn tỉnh có 361 vụ bạo lực gia đình, trong đó chỉ có 11 vụ được xử lý từ mức xử phạt hành chính trở lên (chiếm 3%); năm 2014 có 323 vụ thì có 131 vụ được xử lý (chiếm 40,5%); đến năm 2017 toàn tỉnh có 235 vụ và được xử lý 224 được xử lý (chiếm 95,3%), trong đó 62,97% là số vụ bạo lực về tinh thần, 31,06% là số vụ bạo lực về thân thể, 3,4% là bạo lực về kinh tế và 2,55% bạo lực về tình dục.