Ngày 03 tháng 8 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định nội dung cụ thể và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (sau đây viết tắt là Bộ tiêu chí) nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 70% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với giáo dục đạo đức, lối sống và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh.
Bộ tiêu chí áp dụng cho các thành viên gia đình bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh, chị, em nuôi; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại, cháu nuôi; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.
Về nội dung của bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, gồm: Tiêu chí ứng xử chung (Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ); Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng (Chung thủy, nghĩa tình); Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu (Gương mẫu, yêu thương); Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà (Hiếu thảo, lễ phép); Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em (Hòa thuận, chia sẻ).
Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng người dân về sự cần thiết của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đối với việc xây dựng một lối sống lành mạnh, gia đình tiến bộ, hạnh phúc, từ đó thúc đẩy tính tự giác, nhiệt tình tham gia hoạt động và thực hành các tiêu chí ứng xử nói trên; Tổ chức các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan, không gian mạng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thông qua các cuộc thi, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ với nhiều hình thức thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, các gia đình, thành viên trong gia đình. Tập trung tuyên truyền vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Quốc tế gia đình (15/5), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11); Tổ chức phát động đăng ký và đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn toàn tỉnh; Lồng ghép việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với các tiêu chí bình xét “Gia đình văn hóa” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng giá trị, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với đối tượng học sinh để nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông bà, cha mẹ, anh, chị, em; Bố trí, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí cho công tác triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, ưu tiên vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; Tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; khen thưởng, biểu dương gương gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác gia đình; Tổng kết, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giai đoạn 2022 – 2025.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh; phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Bộ tiêu chí, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh…