Ngày 15 tháng 9 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã có báo cáo số 222-BC/SVHTTDL về việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và việc thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL nói riêng đã được quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, việc triển khai thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL đã được thực hiện có hiệu quả. Việc triển khai thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL đã đánh giá được việc thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo từng năm, từng giai đoạn, từ đó đề xuất các nội dung, giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện công tác gia đình hàng năm, đồng thời giúp Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các huyện, thành phố có thông tin cụ thể về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được số liệu chính xác về thực trạng gia đình, các vụ bạo lực gia đình cụ thể từng năm, làm cơ sở để tham mưu đề ra phương hướng, giải pháp và hoạch định chính sách phục vụ quản lý nhà nước về gia đình.
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác gia đình, việc thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế; kinh phí dành riêng cho việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL không có, cụ thể tại Khoản 3, Điều 5 của Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL Điểm b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn về nghiệp vụ ghi chép, cách thức theo dõi, cập nhật và lập các mẫu biểu báo cáo thống kê; Điểm c) Tổ chức in ấn và phát hành Sổ thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nhưng đến nay chưa có kinh phí để in ấn các Sổ thông tin về gia đình, Sổ thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình và các Biểu mẫu cho cơ sở, vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu thập, báo cáo thông về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Hiện nay tỉnh Hòa Bình đã có đội ngũ cộng tác viên dân số nhưng chưa lồng ghép công tác gia đình, trẻ em vào nhiệm vụ của cộng tác viên dân số (theo Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ); cán bộ làm công tác gia đình ở cấp huyện, cấp xã chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ công tác gia đình, kỹ năng truyền thông còn hạn chế. Cán bộ thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại cấp xã, huyện chủ yếu là kiệm nhiệm.
Sau khi sáp nhập, một số xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, dân cư sống dàn trải, thưa thớt, trình độ không đồng đều nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, nắm bắt, thu thập thông tin. Hiểu biết pháp luật của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, tình hình bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phức tạp ở một số địa phương.
Công tác thu thập số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL còn bất cập, chưa đánh giá đúng thực chất các vụ việc bạo lực đã xảy ra, việc thu thập số liệu về số vụ bạo lực gia đình rất khó chính xác như các vụ bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế rất khó phát hiện do tâm lý nạn nhân e ngại, không khai báo, do vậy hầu như chỉ tổng hợp được các vụ bạo lực về thân thể.
Hiện nay các vụ ly hôn do Tòa án thụ lý và giải quyết chưa có quy định rõ ràng về nguyên nhân ly hôn có yếu tố bạo lực gia đình, do vậy số liệu tổng hợp còn chưa cụ thể.