Ngày 27 tháng 01 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành kế hoạch số 16/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2030
Theo đó, mục tiêu chung tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội tham gia xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và phát triển bền vững đất nước; với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 85% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại, đến năm 2030 nâng lên 100%; phấn đấu đến năm 2025, 85% các địa phương xây dựng mô hình truyền thông giáo dục và đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng khu dân cư, đến năm 2030 nâng lên 100%; hàng năm có 90% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định của pháp luật; 100% người bị bạo lực được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, 4 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh, gồm: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị gia đình trong tình hình mới; xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên thụ hưởng thành quả phát triển; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về gia đình; phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, huy động xã hội hóa, phát triển lĩnh vực gia đình.
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung trong Kế hoạch phải có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp; lồng ghép với các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời, có sự giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc, tồn tại.