Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản số 169/BC-BCĐGĐ về việc báo cáo Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Tăng cường công tác truyền thông về giữ gìn hạnh phúc gia đình và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2022 (sau đây viết tắt là Đề án và Chỉ thị số 08).
Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã ban hành kế hoạch giai đoạn và hàng năm để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh và Ban Chỉ đạo công tác gia đình các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã ban hành 11 văn bản; các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh ban hành 49 văn bản; Ban Chỉ đạo công tác gia đình các huyện, thành phố ban hành 23 văn bản.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn đến công tác gia đình, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác gia đình. Tứng bước đưa công tác gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương hằng năm. Thông qua việc triển khai thực hiện thực hiện Đề án và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được phối hợp triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật, đặc biệt là nắm rõ các hành vi bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc góp phần phát huy các giá trị gia đình truyền thống và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các gia đình cùng nhau phát triển kinh tế và nhân rộng các mô hình điển hình, tình trạng bạo lực gia đình đã có những chuyển biến tích cực, vai trò của phụ nữ được đề cao, công tác bình đẳng giới trong gia đình và chăm sóc người cao tuổi được quan tâm, trẻ em được chăm sóc và giáo dục. Từ đó, thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng bản, khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh, cụ thể kết quả: Năm 2020, có 181.671/217.286 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” đạt 83,6%; có 1.323/1.482 thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Làng văn hoá” đạt 89,2%; Năm 2021: Có 187.510/216.927 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” đạt 96,4%; có 1.368/1.482 thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Làng văn hoá” đạt 92,3%; 100% khu dân cư tổ chức ngày hội “Đại đoàn kết dân tộc” đã góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng.