Ngày 07 tháng 9 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã xây dựng Báo cáo số 295/BC-UBND về việc Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020
Tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Hòa Bình phát triển ổn định và có chuyển biến tích cực; quy mô và tiềm lực kinh tế tiếp tục tăng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, công tác chăm sóc người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được các cấp, các ngành quan tâm.
Việc triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 và các đề án, kế hoạch về công tác gia đình giai đoạn 2010 – 2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được một số kết quả quan trọng; nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác gia đình đã có chuyển biến tích cực, công tác chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược được quan tâm gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và phù hợp với tình hình ở địa phương. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể đã chỉ đạo bổ sung các tiêu chí xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vào quy chế của cơ quan, đơn vị và hương ước, quy ước của khu dân cư để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia thực hiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tăng cường, các thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp thường xuyên phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình ngày càng được nâng cao; tệ nạn xã hội đã giảm đáng kể; tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại có chiều hướng giảm… Vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của Chiến lược còn những khó khăn như: Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, địa bàn rộng, giao thông đi lại còn khó khăn; trình độ dân trí giữa các vùng không đồng đều; kết cấu hạ tầng cơ sở đầu tư chưa đồng bộ; đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng “trọng nam, khinh nữ” còn tồn tại trong lối sống của một bộ phận người dân; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai thực thi pháp Luật ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Một số vụ bạo lực gia đình chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời theo qui định của Luật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thực thi nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được chú trọng nên hiệu quả tuyên truyền, xử lý các vụ bạo lực gia đình còn gặp nhiều hạn chế.