Làm cha mẹ là một “nghề” đặc biệt, là một quá trình nuôi dạy và giáo dục một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành – một công việc thiêng liêng với nhiều yêu cầu khác nhau, không đơn thuần từ bản năng mà cần được giáo dục, đào tạo, hướng dẫn cả về kiến thức và kỹ năng. Việc nuôi dạy này đặc biệt bao gồm chăm sóc, yêu thương và sự hướng dẫn của cha mẹ đối với trẻ. Việt Nam là một trong những nước cam kết mạnh mẽ đảm bảo quyền trẻ em, chống phân biệt đối xử và bạo lực đối với trẻ em với một loạt các công ước quốc tế. Theo đó, mọi trẻ em có quyền được chăm sóc và tiếp cận giáo dục sớm với chất lượng cao, được bảo vệ nhằm đảm bảo phát triển toàn diện. Thực hiện những cam kết này đồng nghĩa cần phải quan tâm, tăng cường hơn nữa sự tham gia của cha mẹ – những người có vai trò đặc biệt nhất trong chăm sóc, bảo vệ, nuôi, dạy con cái trưởng thành. Cha mẹ/người chăm sóc trẻ trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ, định hướng trẻ phát triển trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, các nghiên cứu thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, hỗ trợ làm cha mẹ và người chăm sóc trẻ trực tiếp vẫn còn là khoảng trống rất lớn. Trước khi bước vào hôn nhân, hầu như thanh niên chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để làm Cha, Mẹ. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con, cha mẹ cũng thiếu thông tin khoa học và thiếu sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ trên cả 3 lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ. Hầu hết cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc dinh dưỡng, phòng bệnh, xử trí khi trẻ bị bệnh thông thường; cha mẹ vẫn còn đặt nặng thành tích, tạo áp lực học tập cho trẻ, chưa dành nhiều thời gian cho con và chỉ có 23% người cha sẵn sàng dành thời gian theo dõi, giúp đỡ con học bài (Cha mẹ với việc học hành của con cái, Thân Trung Dũng ). Đặc biệt, trẻ có nguy cơ bị tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại diễn ra ở những môi trường gần gũi với trẻ, trong đó gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, với 65,5% (Kết quả khảo sát thực trạng về Hành vi nguy cơ xâm hại đối với trẻ em hiện nay của Viện Nghiên cứu Thanh niên năm 2017).
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra, đa số cha mẹ chưa đóng vai trò là người “bạn” đồng hành, chia sẻ với trẻ những vấn đề trẻ quan tâm như: Sức khỏe sinh sản, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng sống, trong khi đây là những vấn đề quan trọng quyết định tương lai của trẻ; Cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Đồng thời, việc tiếp cận của cha mẹ/người chăm sóc trẻ đến các chương trình hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc nuôi dạy con còn thấp (Trần Hữu Bích và cộng sự (2012).
Tại Việt Nam thời gian gần đây, Chính phủ và nhiều cơ quan, tổ chức đã thể hiện nỗ lực trong xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án, mô hình có liên quan tới giáo dục làm cha mẹ, trong đó, một số đề án, mô hình nổi bật như: Đề án “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025”; đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ”; các mô hình “Giáo dục cha mẹ”, “Nhóm cha mẹ”, Mô hình “Giáo dục tiền hôn nhân”,…. Tuy nhiên, mỗi chương trình, đề án, dự án đều có các nhóm đối tượng tác động cụ thể, chưa mang tính bao trùm. Hầu hết hỗ trợ cha mẹ tập trung chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục cho trẻ, chưa có các chương trình, đề án, mô hình mang tính toàn diện và tăng cường kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ. Đến nay, chưa có khung chuẩn mực tối thiểu cần thiết về kiến thức, thái độ và hành vi của các bậc cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ. Điều này có thể ảnh hưởng đến các thực hành tích cực của cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ theo các giai đoạn tuổi của trẻ.
Tuyên bố chung của Việt Nam và các quốc gia tại hội nghị phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2019 kêu gọi cam kết từ các Chính phủ nhằm phối hợp đảm bảo phát triển toàn diện trẻ em, vận động hỗ trợ từ tất cả các ngành liên quan để thúc đẩy mục tiêu chăm sóc nuôi dưỡng; về môi trường gia đình, đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của cha mẹ, hỗ trợ thay đổi hành vi của các thành viên trong gia đình, tăng cường giáo dục làm cha mẹ một cách toàn diện bao gồm cả chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, tương tác sớm, hình thành các thói quen thân thiện với môi trường và bảo vệ trẻ em ngay từ những năm đầu đời. Chương trình quốc gia về Giáo dục làm cha mẹ sẽ là chương trình khung định hướng chuẩn mực về kiến thức, thái độ, hành vi của cha mẹ và những nguyên tắc, nội dung, đối tượng, phương pháp, nguồn lực cần thiết nhằm thay đổi kiến thức, thái độ và hành vi của cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ, góp phần phát triển trẻ em toàn diện. Chương trình cũng tạo cơ chế phối hợp, huy động sự tham gia của các Bộ, ban ngành, tổ chức có liên quan cùng tham gia vào mạng lưới giáo dục làm cha mẹ.