Ngày 7 tháng 9 năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Báo cáo số 166/BC-UBND về việc Báo cáo tổng kết triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020
Theo Báo cáo, Kết quả đạt được theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao giao về tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đạt 100%; Tỷ lệ cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLĐ đạt 100%; Tỷ lệ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ đạt 92,8%; Số lượng báo cáo viên về PCBLGĐ của tỉnh 138 người; Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân đạt 100%; Tỷ lệ người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi đạt 100% và Tỷ lệ số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ (Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ /tổng số xã/phường/thị trấn trên địa bàn cấp tỉnh đạt 100% và Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL/tổng số xã/phường/thị trấn có các Mô hình có nội dung hoạt động về PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh đạt 100%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn một số hạn chế như: Cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cơ sở chưa ổn định, chưa có đội ngũ cộng tác viên công tác gia đình ở cơ sở; kinh phí cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế, chế độ cho người phụ trách công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế – xã hội; bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối, phức tạp, tính chất của các vụ bạo lực gia đình ngày càng tinh vi, khó lường, trong đó có không ít vụ nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong; công tác phối hợp liên ngành trong xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn gặp nhiều lúng túng; thể chế về xử lý người gây bạo lực gia đình chưa đủ sức răn đe do chế tài đối với người có hành vi gây bạo lực chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm, thiên về giảng giải, phê bình, góp ý; nạn nhân bạo lực gia đình còn có tâm lý e ngại, xấu hổ, coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.