Để thực hiện tốt chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề xuất các giải pháp chính như:
Trong thời gian tới công tác quản lý hành chính nhà nước trên lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình không ngừng được quan tâm, chỉ đạo, bố trí đủ về số lượng và chất lượng cán bộ phụ trách công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tăng số lượng kinh phí được phân bổ hằng năm, để có sự đồng bộ trong phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, tăng cường phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể.
Công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn nhiều khó khăn và vướng mắc, cần tập trung xử lý những vụ bạo lực thể chất, đặc biệt là bạo lực về thể chất do người gây bạo lực sử dụng rượu bia, để tạo chuyển biến nhận thức cho người dân. Người gây ra hành vi bạo lực gia đình chưa bị xử lý theo đúng quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình); thủ tục xử phạt còn phức tạp, mức độ xử phạt theo quy định chưa đủ sức răn đe, có trường hợp người gây bạo lực tái diễn nhiều lần, mức độ và tính chất của bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng hơn, nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu là người vợ, người cao tuổi, trẻ em không được bảo vệ đúng pháp luật. Vì vậy cần tăng cường hiệu lực pháp luật, hoàn thiện thể chế, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình.
Kinh phí hằng năm dành cho công tác gia đình còn hạn chế, cần tăng cường phân bổ thêm kinh phí cho công tác gia đình nói chung và kinh phí cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng, để có kinh phí cơ bản tổ chức các hoạt động định kỳ thường xuyên ở cơ sở.
Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng công tác thu thập và xử lý thông tin về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo số liệu chính xác, thông tin có độ tin cậy cao phục vụ cho công tác quản lý nhà nước nói chung và dự báo về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp nói riêng.
Định kỳ hằng quý và năm, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm kịp thời phát hiện những sai sót nếu có trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, từ đó có hướng giải quyết, điều chỉnh, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Củng cố nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên trong nhóm, lập danh sách những đối tượng có nguy cơ cao để theo dõi và có biên pháp can thiệp, tư vấn, hỗ trợ.
Kiến nghị Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét chế độ, chính sách cho đội ngũ làm cộng tác viên, tình nguyện viên ở cộng đồng (người phụ trách địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, người trực tiếp thu thập thông tin gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở).