Theo đó, công tác tập huấn, tuyên truyền là một trong 10 nội dung quản lý hành chính nhà nước về gia đình, đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các Chương trình, đề án đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các ngành, các cấp từ thành phố đến cơ sở trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và nhân dân về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, về vai trò, vị trí, ý nghĩa của Chiến lược được tổ chức thường xuyên, thu hút nhiều đối tượng tham gia: công chức, viên chức, sinh viên, người dân và hộ gia đình, từ đó hướng đến thay đổi hành vi.
Công tác phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố triển khai thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành số 6398/KHPH-SVHTT-SYT-SLĐTBXH-STP-SGDĐT-CA giữa Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an Thành phố và Sở Văn hóa và Thể thao, phối hợp triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 đến năm 2020. Căn cứ vào chương trình phối hợp, các đơn vị phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhằm đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của Chiến lược phát triển gia đình và các chương trình, đề án lĩnh vực gia đình. Qua triển khai hoạt động cho thấy hình thức thông tin, truyền thông phong phú, đa dạng như tuyên truyền trên báo chí, hội thảo, tọa đàm, cổ động trực quan, lồng ghép tuyên truyền trong sinh hoạt khu phố, khu dân cư. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như Hội thi (Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội thi Câu lạc bộ gia đình; Hội thi tìm hiểu pháp luật về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…), Hội thi vẽ tranh “ước mơ của em”, “Ngôi nhà hạnh phúc”…
Về nội dung tuyên truyền, Sở Văn hóa và Thể thao cùng các ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị cơ sở tập trung truyền thông vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về gia đình, gia đình văn hóa, con người văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay; kỹ năng ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, kiến thức tiền hôn nhân, kỹ năng nuôi dạy con…
Về công tác tập huấn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên công tác gia đình: Hiện nay, việc công nhận đội ngũ báo cáo viên pháp luật nói chung trong đó có báo cáo viên pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, chưa phân rõ cụ thể là báo cáo viên pháp luật riêng cho ngành văn hóa và gia đình. Tính đến hết năm 2018, toàn thành phố Hồ Chí Minh có 156 người được công nhận là báo cáo viên pháp luật cấp thành phố; trong đó có 110 nam và 46 nữ; 78 người có trình độ đại học, 30 người có trình độ thạc sỹ, 02 người có trình độ tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư. Đạt chỉ tiêu đề ra “Phấn đấu xây dựng đội ngũ báo cáo viên về phòng, chống bạo lực gia đình cấp thành phố 10 người”, cấp quận, huyện 48 người vào cuối năm 2015; cấp thành phố 40 người, cấp huyện 72 người vào năm 2020…
Tính đến hết tháng 9 năm 2019, toàn thành phố đã tổ chức 359 lớp tập huấn với hơn 49.270 lượt người tham dự, cấp phường, xã, thị trấn đã tổ chức 1.136 lớp với hơn 59.075 lượt người tham dự
Tính đến hết tháng 9 năm 2019, toàn thành phố đã thực hiện 4.416 cuộc tuyên truyền cấp huyện thu hút hơn 236.521 lượt người tham dự; tổ chức 9.549 cuộc cấp xã với hơn 768.636 lượt người tham dự…