Toàn tỉnh hiện có 243 Câu lạc bộ (CLB) phòng chống bạo lực gia đình. Các CLB này đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, can thiệp, hỗ trợ và hòa giải thành công hàng trăm vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình mỗi năm. Qua đó góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc và đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Cách đây khoảng 10 năm, tình trạng bạo lực gia đình diễn ra khá phổ biến trên địa bàn một số khu dân cư thuộc phường Nông Trang, thành phố Việt Trì. Nhiều phụ nữ trong gia đình bị bạo lực cả về thân thể, tinh thần lẫn kinh tế. Điển hình như trường hợp của vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương và anh Nguyễn Ngọc Phương ở khu 6B. Cả 2 vợ chồng anh chị đều làm công nhân, cuộc sống chẳng mấy dư giả, lại sinh con gái một bề. Với mong muốn cố “nặn” một mụn con trai mà anh Phương có hành vi ép buộc chị Phương quan hệ tình dục song bị chị Phương từ chối. Vì lý do này mà vợ chồng anh chị thường xuyên cãi vã, đã có lúc anh ra tay đánh đập chị.
Chị Phương tâm sự: “Bản thân tôi lúc đó cảm thấy cuộc sống rất bế tắc và từng nghĩ đến chuyện ly hôn. Song được sự động viên của mọi người trong gia đình, đặc biệt là những lời chia sẻ, phân tích kịp thời của các cô, chú, anh, chị trong CLB phòng, chống bạo lực gia đình của khu, vợ chồng tôi nhận thấy mình phải thay đổi cách suy nghĩ và có cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống vợ chồng một cách thấu đáo”.
Xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba vốn là một vùng quê yên bình, theo nhận định của người dân địa phương thì cơ bản các cặp vợ chồng ở đây đều chung sống hòa thuận, hạnh phúc song cũng không tránh khỏi những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Ví dụ như trường hợp của gia đình chị Tạ Thị Phượng và anh Bùi Hải Nam ở khu 3. Cách đây không lâu, vợ chồng anh chị có những mâu thuẫn tưởng chừng không thể hòa giải. Anh Nam là lái xe đường dài, do thường xuyên phải xa vợ con nên đã không làm chủ được bản thân và có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ khác. Mỗi khi về nhà, anh thường kiếm cớ để mắng mỏ, quát tháo vợ và có ý định ly hôn.
Khi nghe thông tin về trường hợp của vợ chồng anh Nam và chị Phượng, các thành viên CLB phòng, chống bạo lực gia đình khu 3, xã Vân Lĩnh đã kiên trì đến nhà để động viên và giúp đỡ 2 vợ chồng tháo gỡ những khúc mắc. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay tình cảm của vợ chồng anh chị dần được hàn gắn, gia đình dần vượt qua sóng gió.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân – Chủ nhiệm CLB phòng, chống bạo lực gia đình khu 3, xã Vân Lĩnh cho biết: Được thành lập từ năm 2015, đến nay CLB phòng, chống bạo lực gia đình khu 3 có 48 cặp vợ chồng tham gia. CLB sinh hoạt định kỳ hằng tháng với các nội dung tuyên truyền về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; những nét đẹp, cách ứng xử trong gia đình, cách nuôi dạy con cái; đồng thời lên án, phê phán các hành vi bạo lực gia đình và các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, kiến thức chăn nuôi, phát triển kinh tế… Thông qua hoạt động CLB, các cặp vợ chồng có thêm hiểu biết, nhận thức, sống hòa thuận, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết, an ninh trật tự được đảm bảo.
Trước thực tế nhiều vấn đề xã hội nảy sinh khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhất là tình trạng bạo lực trong mỗi gia đình, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thành lập mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình tại các khu dân cư trên địa bàn, thu hút sự tham gia của nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là nam giới. Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Xuân – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch), nhiều CLB hoạt động có hiệu quả, làm tốt vai trò là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, tư vấn cho hội viên trong việc ngăn ngừa bạo lực gia đình; đồng thời bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên và là đầu mối để giải quyết các mâu thuẫn. Đặc biệt, khi phát hiện vụ việc có yếu tố bạo lực gia đình, các CLB đã can thiệp, hỗ trợ kịp thời thông qua hòa giải tại gia đình, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư… Nhờ đó đến nay, nhiều cặp vợ chồng đã giải quyết được mâu thuẫn và cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Tính riêng năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 vụ bạo lực gia đình được hòa giải thành công.
Thiết nghĩ, để phát triển mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác gia đình. Các địa phương quan tâm chú trọng hơn nữa đến việc phát triển các loại hình CLB, nhất là CLB phòng, chống bạo lực gia đình nhằm tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được các kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục… Đồng thời, các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống gia đình Việt Nam, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình thông qua các hình thức hoạt động phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là đối với các cặp vợ chồng để họ tự bảo vệ và “giữ lửa” cho gia đình mình luôn yên ấm, hạnh phúc.
theo phutho.gov.vn