Bạo lực gia đình (BLGĐ) đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, có 80,7% phụ nữ cho biết bị tổn thương về thể chất, tâm lý và bạo lực tình dục. Có 75,2% phụ nữ phải chịu đựng tổn thương tinh thần, trong khi con số này là 43,3% đối với chấn thương thể chất. Khoảng 1/3 phụ nữ cần được chăm sóc y tế do bạo lực từ chồng/bạn tình của họ gây ra. Trong đại dịch Covid-19, 51% phụ nữ là người bị BLGĐ từng có ý định tự tử, trong số đó, khoảng 7,2% đã cố gắng tự tử. Đối với trẻ em, BLGĐ có thể để lại những tác động tới sức khỏe tinh thần của trẻ. Khi chứng kiến cảnh này, trẻ thường “khóc”, “cảm thấy sợ” hoặc “cảm thấy sợ hãi”. Trong một số tình huống xấu nhất, BLGĐ gây ra hậu quả nghiêm trọng (chấn thương) trên trẻ em vì đã chứng kiến những sự kiện này.
Kết quả Điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam cho thấy, chỉ có 7% bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam là người lạ, còn lại là người thân trong gia đình, trong đó 58% người gây bạo lực là chồng của họ. Cũng theo nghiên cứu này, cứ ba phụ nữ thì có gần hai người (63%) đã bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực trong đời, bao gồm bạo lực thể xác, bạo lực tâm lý, bạo lực kinh tế, kiểm soát hành vi… Ước tính bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam gây thiệt hại 1.8% GDP của nền kinh tế quốc gia. Tính trung bình, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục mất khoảng 26% thu nhập hàng năm của họ cho các khoản chi phí liên quan đến bạo lực (Kết quả điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam được Bộ LĐTBXH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng Cục thống kê), UNFPA phối hợp thực hiện năm 2019, công bố năm 2020).