Ngày 02 tháng 10 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã xây dựng Báo cáo số 1502/BC-SVHTTDL về việc báo cáo kết quả Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Những năm qua, Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo và đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình hạnh phúc lồng ghép vào các các buổi sinh hoạt của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể, cũng như lồng ghép vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, mà nổi bật là Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các mô hình thuộc lĩnh vực gia đình như: nhóm phòng, chống BLGĐ; câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ. Tính đến nay, ngành VHTTDL đã tham mưu thành lập và nhân rộng được 199 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 109 nhóm phòng, chống BLGĐ và 161 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng (Chưa kể các mô hình do ngành, đoàn thể khác thành lập). Hoạt động của các mô hình nhằm tập hợp các gia đình tham gia sinh hoạt để giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; phát hiện, tiếp nhận tin báo về vụ việc BLGĐ, nhanh chóng can thiệp làm chấm dứt hành vi BLGĐ; chủ động hoặc phối hợp với tổ hòa giải tổ chức hòa giải mâu thuẫn, BLGĐ theo quy định; tư vấn trực tiếp cho nạn nhân BLGĐ, người gây BLGĐ về pháp luật, tâm lý, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình; phối hợp với người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây BLGĐ theo quy định; lập hồ sơ, thống kê báo cáo vụ việc, tình hình xử lý vụ việc BLGĐ cho Ban Chỉ đạo cấp xã; giúp đỡ nạn nhân BLGĐ tại cộng đồng dân cư khi nạn nhân có yêu cầu được giúp đỡ, được tạm lánh và thông báo cho UBND cấp xã biết.
Thường xuyên đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực gia đình nói chung; các nội dung của Đề án nói riêng. Những năm qua, đã dành nhiều thời lượng để tuyên truyền về các nội dung: thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, nâng cao vị thế của phụ nữ và bảo vệ quyền lợi của trẻ em; phòng, chống BLGĐ và phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức gia đình, xã hội; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; xây dựng nhân cách người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình về mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình; phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình; vận động Nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển… Từ đó đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về phát triển gia đình trong tình hình mới. 10 năm qua, số lượng bài viết, chương trình phát thanh, truyền hình, sản phẩm truyền thông…. đã được thực hiện với số lượng trên 5.000 sản phẩm. Không những vậy, công tác tuyên truyền còn được tổ chức thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đơn cử như: hội nghị, tập huấn, các phương tiện cổ động trực quan, hội thi, hội diễn, chiếu phim lưu động, sinh hoạt định kỳ của các loại hình nhóm – câu lạc bộ, tờ rơi, tờ gấp, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, tuyên truyền lưu động, sinh hoạt dưới cờ, họp lệ chi – đảng bộ và nhiều hình thức phù hợp khác.
Trong đó, tập trung cao điểm vào Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11). Mở 40 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và tham gia cập nhật kiến thức cho hàng chục lớp của cấp huyện, xã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình và thực hiện Đề án ở các cấp. Thực hiện tốt việc biên soạn, xây dựng, nhân bản và phát hành tài liệu về công tác gia đình, trong đó chú trọng tài liệu “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” còn có những khó khăn như một số nơi, một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, của việc xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó sự chuyển biến tích cực trong hành động chưa được thường xuyên, có khi chững lại và xuống cấp, nhất là đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ. Công tác tuyên truyền mặc dù được quan tâm đẩy mạnh, nhưng đôi lúc ở một số nơi vẫn còn chậm và chưa đi vào chiều sâu. Chế độ thông tin báo cáo ở một số nơi còn thiếu số liệu cụ thể, chưa đánh giá đúng và đủ kết quả công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở kiêm nhiệm quá nhiều công việc, thường xuyên thay đổi vị trí việc làm, nên việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực gia đình đôi lúc còn lúng túng, đạt hiệu quả chưa cao.