Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, gia đình luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người, bảo toàn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong xã hội Việt Nam xưa, giá trị văn hoá truyền thống, nền nếp, gia phong trong mỗi gia đình có thể khác nhau, song nhìn chung đều gắn với những phẩm chất cụ thể. Tình cảm gia đình, văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình đã tạo nên giá trị truyền thống gia đình Việt.
Hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập và sự đa dạng văn hóa…, yếu tố tình cảm trong mỗi gia đình thực sự đang đứng trước thách thức lớn, sự rạn nứt và tẻ nhạt giữa các mối quan hệ trong nhiều gia đình là một thực tế rất đáng lo ngại. Và chính thực tế này cũng đã và đang là một trong những nguyên do làm phai nhạt giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xã hội mới. Nghiên cứu về gia đình cả góc độ lý luận và thực tiễn là một vấn đề cần thiết và quan trọng. Sự cần thiết đó còn xuất phát từ thực tiễn về những tồn tại, hạn chế của gia đình Việt Nam hiện đại. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong của gia đình truyền thống. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều và sau hôn nhân nhiều phụ nữ di cư theo chồng sinh sống ở nước ngoài cũng đặt ra mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS… đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống, vấn đề chăm sóc người cao tuổi, tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng v.v.. đang đặt ra những thách thức lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
Để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển và xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ đổi mới, nhiều chuyên gia cho rằng trước tiên cần kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, mọi thành viên chia sẻ, bàn bạc, cùng nhau quyết định mọi công việc, được hưởng các quyền lợi như nhau, thực hiện tốt yếu tố bình đẳng trong gia đình. Các thành viên trong gia đình thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt các quy ước của cộng đồng, tích cực học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe. Trong giáo dục gia đình phải chú trọng đến giá trị nhân văn, giáo dục nhân cách đạo đức cho các thành viên. Đó là biểu hiện ở lòng hiếu thảo, sự kính trọng ông bà, tổ tiên của con cháu, sự nhường nhịn, đức hy sinh của ông bà, cha mẹ, trong gia đình dòng họ. Ngoài xã hội là lòng yêu quê hương, đất nước, cộng đồng, làng xóm, lòng tự hào dân tộc, là tình đoàn kết, ý thức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Giữ gìn và phát huy bản lĩnh văn hóa dân tộc suy cho cùng là việc thực hiện chiến lược con người. Và trong chiến lược lớn đó, xây dựng gia đình văn hóa là khâu then chốt bởi gia đình là biểu hiện tập trung của một xã hội, và ngược lại, xã hội đáp ứng nhu cầu, lợi ích của con người, góp phần vào sự tồn tại và phát triển hoàn thiện nhân cách con người.