Mỗi độ Tết đến, xuân về, nhiều người, nhiều bạn trẻ, các gia đình trẻ lại trăn trở nỗi niềm về quê ăn tết hay đi du lịch?
Những năm gần đây, nhiều gia đình đã chọn đi du lịch, thay vì ở nhà hay về quê ăn Tết theo kiểu truyền thống. Đã có nhiều rất nhiều ý kiến trái chiều cho vấn đề này.
Nhiều gia đình trẻ chọn lựa đi nghỉ dưỡng, du lịch trong và ngoài nước, với họ Tết là dịp để nghỉ ngơi, là dịp để tận hưởng cuộc sống.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn một mình xách ba lô lên và đi, Tết với họ là dịp để giao lưu, gặp gỡ, khám phá những vùng đất mới.
Nhưng cũng còn nhiều người giữ nguyên quan niệm Tết là dịp đoàn viên, sum họp gia đình. Cả năm, ai cũng bận rộn mưu sinh, cho nên những ngày cuối năm dù cách xa đến mấy, họ cũng cố gắng trở về để cùng đón Tết với gia đình. Tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng nhau chuẩn bị cho ngày Tết. Các mẹ, các chị thì lo việc bếp núc, cỗ bàn, còn những người đàn ông, con trai thì lo quét dọn nhà cửa, vườn tược, bàn thờ gia tiên cho trang nghiêm, sạch đẹp.
Từ bao đời nay, người Việt chúng ta luôn thờ cúng ông bà, tổ tiên của mình. Dù có nghèo khó đến mấy, mỗi gia đình đều cố gắng sắm sửa mâm cổ để cúng ông bà, tổ tiên, mời ông bà tổ tiên cùng về đón Tết với con cháu. Việc làm này đã tác động và ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt, nhắc nhở mọi người nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, làm cho lòng hiếu thảo trong mỗi người con được tiếp thêm sức mạnh, được nuôi lớn không ngừng.
Ngày nay, xã hội càng phát triển, ảnh hưởng nhiều của văn hóa phương Tây, quan niệm về Tết cũng đã khác xưa nhiều. Việc đa dạng hóa các hình thức hưởng thụ trong những ngày nghỉ Tết sẽ giúp mọi người tái tạo sức khỏe, thoải mái tinh thần để bắt tay vào công việc trong năm mới được tốt hơn. Chúng ta vẫn có thể lựa chọn dung hòa là đi cùng với cha mẹ, người thân để vừa thực hiện điều mình thích, vừa không bỏ bê gia đình. Hoặc ít ra, chúng ta nên dành thời gian đón khoảnh khắc giao thừa và ngày đầu năm cùng với người nhà, thăm ông bà, cha mẹ, cúng lễ tổ tiên xong, sau đó hãy thực hiện những chuyến đi.
Trước sự du nhập văn hóa của thời hội nhập, chúng ta cần giữ nét văn hóa cổ truyền Dân tộc trước khi đón nhận thêm những nền văn hóa mới. “Hòa nhập mà không hòa tan” là điều chúng ta cần hướng đến. Học hỏi để làm đa dạng, giàu có nền văn hóa đất nước là điều cần thiết nhưng bảo tồn và phát huy truyền thống vẫn cần được chú trọng.