Về những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần được giữ gìn và phát huy trong việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay, có người xem gia lễ hay gia phong là then chốt, có người nhấn mạnh đến hai chữ hiếu – đễ, cũng có người nhấn mạnh đến chữ tình…Nhưng nhìn chung, những giá trị văn hóa truyền thống đó đều thể hiện đậm nét yếu tố văn hóa dân tộc Việt Nam đã được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.
Gia lễ hiểu một cách đơn giản là những lễ nghi theo tập tục ở trong gia đình. Những lễ nghi này được phân loại và thực hiện thường xuyên và có tính lặp lại theo thời gian trong năm của mỗi gia đình. Những nghi lễ trong gia đình, từ xa xưa thông thường được thực hiện theo lời giáo huấn truyền khẩu, người đời trước truyền dạy cho đời sau. Vì vậy, trong mỗi gia đình truyền thống trọng lễ nghĩa, thường răn dạy các thế hệ hậu sinh những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ngay tuổi đầu đời. Thực tế xưa nay đã chứng minh rằng, chỉ có những người nào hấp thụ được một truyền thống giáo dục gia đình có quy củ, biết tôn trọng gia lễ, gia phong mới có thể là người biết trọng danh dự, chấp hành kỷ luật, luật pháp Nhà nước cũng như chu toàn những trọng trách do xã hội giao phó.
Nhìn rộng ra, gia lễ không chỉ tồn tại trong phạm vi mỗi một gia đình, trong mỗi quan hệ của các thành viên; mà gia lễ còn có tầm ảnh hưởng rộng tới mọi giao lưu xã hội, mà gần nhất là trong mối quan hệ xóm làng, cộng đồng dân cư. Khi mỗi cá nhân được hấp thụ giá trị văn hóa của gia lễ thì ở họ sẽ hình thành cho mình cách thức đối nhân xử thế đúng mực với người khác. Bởi lẽ, con người sống trong cộng đồng không chỉ sống riêng rẽ, mà cần tới sự giúp đỡ của những người khác và ngược lại. Người sống trong một gia đình có gia phong, đạo lý không thể có những lối ứng xử thiếu suy nghĩ, không thể có những hành động, lời ăn, tiếng nói xô bồ, khiếm nhã với người chung quanh. Ngược lại, người nào không được giáo dục rèn luyện trong gia đình có nền nếp gia phong thì trong cuộc sống, trong lời ăn, tiếng nói với mọi người thường sẽ thấy ở họ sự thô thiển, cục cằn. Do đó, chính gia lễ tăng hiệu năng cho gia giáo, định mức phẩm cách của từng người trong mối tương quan của các quan hệ xã hội. Cho nên, trong việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại, cần nhận thức rõ mỗi quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa gia đình và xã hội, giữa nền nếp trong mỗi gia đình với việc xây dựng các mỗi quan hệ người với người trong cộng đồng cùng hướng tới những giá trị tốt đẹp và nhân văn.
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, bên cạnh gia lễ, người ta còn nhấn mạnh đến hai chữ hiếu – đễ. Ở phạm trù triết lý, khi nhấn mạnh đến yếu tố đạo lý trong văn hóa gia đình, tác giả – nhà văn hóa lớn Vũ Khiêu cũng đặc biệt nhấn đến yếu tố này. Theo ông, trong ba mối quan hệ (cha con, vợ chồng, anh em) ấy, thì mối quan hệ giữa cha con, anh em tiêu biểu bằng hai chữ hiếu và đễ, đã được Nho giáo tôn lên rất cao và đặt vào một vị trí trang trọng, trở thành cốt lõi trong các mối quan hệ xã hội gồm 5 mối quan hệ (ngũ luân) là: vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè và các mối quan hệ khác như thầy trò, lớn bé, chủ khách… Nho giáo đặt vấn đề: “Có được Hiếu, Đễ thì có được các đức khác. Hiếu, Đễ là cái gốc mà người quân tử phải nắm lấy, vì cái gốc được vững tốt, tự nhiên đạo lý từ đó mà sinh ra”, hay “Cao đẹp rộng lớn như Đạo của vua Nghiêu vua Thuấn mà cũng chỉ có Hiếu, Đễ mà thôi”….(Vũ Khiêu: Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr140 – 142).