Xưa nay, trong mọi xã hội đều rất coi trọng tri thức ở mỗi con người, coi trọng người “tài trí”. Sau đạo đức và đồng thời với đạo đức là “Tài – Trí”. Sự kết hợp giữa Đức – Tài tạo nên sự hoàn hảo trong nhân cách con người và cũng là mục tiêu của mọi nền giáo dục hướng tới, bởi “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”.
Giáo dục tri thức trong gia đình, không chỉ hiểu là hệ thống kiến thức về khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn và kỹ nghệ, mà còn quan trọng hơn là tri thức kinh nghiệm, tri thức bản địa, tri thức dân gian – tri thức văn hoá. Hệ thống tri thức văn hóa này bao gồm cả đức và tài được thẩm thấu và thấm nhuần, tồn tại một cách dẻo dai, bền bỉ trong mỗi thành viên của gia đình và “lan tỏa” xuyên thế hệ, được mở rộng thành hệ thống kiến thức của “trường đời”.
Trong mọi thời đại, ở mọi xã hội hệ thống tri thức này đều được xem như một mục tiêu giáo dục con người cần đạt đến, đặc biệt trong thời đại công nghệ, trí thức hóa và hội nhập. Ngày nay, trong gia đình các bậc cha mẹ luôn đề cao yêu cầu tri thức đối với con cái. Nếu họ không đủ mọi điều kiện thực hiện vai trò này thì họ luôn tìm cách, tạo điều kiện để con cái được tiếp cận, học thêm ở bất cứ môi trường nào có thể, tuy nhiên có mức độ khác biệt tương đối ở những hoàn cảnh cụ thể.