Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của con người ở tuổi ấu thơ. Đó là một thiết chế xã hội phong phú, đa dạng về thế hệ và giới tính, nghề nghiệp và trình độ học vấn, tính cách và tâm lý cá nhân… Là nơi thế hệ cha mẹ từng bước dẫn dắt các thế hệ con cái hòa nhập xã hội, gia đình thực hiện chức năng giáo dục ban đầu, quyết định thái độ ứng xử, tình cảm, đạo đức của đứa trẻ và thế hệ trẻ. Rất nhiều tác giả nghiên cứu về gia đình đã chỉ ra rằng, khắp nơi trên thế giới, dù điều kiện sống khác nhau đến thế nào, phẩm chất sống đàng hoàng lương thiện, thái độ sống thực sự quan tâm đến việc dạy dỗ con cái, quan niệm về xã hội hướng thiện… đều là những nhân tố rất cơ bản và quan trọng của giáo dục gia đình. Giáo dục gia đình với những hành vi rất cụ thể trong mọi mặt của cuộc sống hàng ngày, từ việc tổ chức nếp sống đến sinh hoạt hằng, từ thái độ cư xử với người xung quanh đến cư xử với môi trường và xã hội… đều là những chất liệu ban đầu để thế hệ trẻ có những nền tảng văn hóa vững chắc cho cuộc sống tương lai. Nói cách khác, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, chất lượng cuộc sống của gia đình… sẽ được in dấu rõ rệt vào nhân cách mỗi con người. Thể chất, trí tuệ, tình cảm, văn hóa, đạo đức… là những phương diện rất cơ bản của con người có nhân cách, có ích cho xã hội, đều bắt đầu từ giáo dục gia đình. Một nhà nghiên cứu có uy tín về gia đình đã viết: “Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng gia đình là thể chế đầu tiên quyết định sự hình thành nhân cách trẻ. Trong các lớp của cấu trúc nhân cách thì lớp căn bản, có ý nghĩa tạo dựng được là nhân cách cơ sở (hay nhân cách gốc) được hình thành chủ yếu trong môi trường gia đình”.
Tại sao giáo dục gia đình lại có ý nghĩa quan trọng và to lớn đến như thế. Cố nhiên, giáo dục tại nhà trường, tại công sở, tại các thiết chế xã hội khác cũng rất quan trọng. Nhưng duy nhất chỉ có giáo dục gia đình đòi hỏi phải gắn với tình yêu thương – tình yêu thương gần như tuyệt đối và không vụ lợi. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái là một yếu tố hiệu quả nhất trong quá trình dẫn dắt trẻ thơ thích nghi đối với đời sống xã hội. Tình yêu thương và sự chăm sóc của bố mẹ đối với con cái có ý nghĩa không gì có thể thay thế trong sự phát triển tâm hồn, tình cảm, tinh thần, đạo đức của mỗi đứa trẻ. Thiếu tình yêu thương gia đình, mọi nhân tố khác trong đời sống gia đình có nguy cơ đều không tác dụng.
Sự phát triển về thể chất là nhân tố tạo cho đứa trẻ có sức mạnh về cơ thể để tồn tại trong tự nhiên và xã hội với tư cách là con người. Mỗi gia đình đều cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em phát triển về thể chất. Trong gia đình trẻ được ăn no, mặc ấm, được cung cấp những nhu cầu về vật chất để lớn khôn, là chức năng tự nhiên của gia đình. Thể chất là điều kiện tối cần thiết để tạo cơ sở cho hình thành thế giới tinh thần và cấu trúc nhân cách. Nó là tiền đề quy định đứa trẻ lựa chọn kiểu hoạt động và phát triển các mối quan hệ.
Sự phát triển trí tuệ là nhân tố tạo cho trẻ có khả năng tư duy, suy lý, phán xét về thế giới từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Sự phát triển trí tuệ không chỉ giúp đưa trẻ thích nghi để tồn tại mà còn để biết cải tạo môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh phục vụ cho đời sống con người. Thông qua hoạt động trong cuộc sống hằng ngày từ khi còn nhỏ, cha mẹ đã đảm nhận trách nhiệm dạy bảo, hướng dẫn trẻ từ những điều cụ thể đến trừu tượng, từ những vấn đề đơn giản đến phức tạp…
Ngoài thể chất và trí tuệ, gia đình còn là nơi giúp con người phát triển tình cảm và đạo đức. Trẻ em được nuôi dưỡng trong tình yêu thương chăm sóc của gia đình sẽ giúp trẻ hình thành dần tình cảm và đạo đức của mình. Sự phát triển tình cảm của trẻ cũng theo quy luật từ thấp đến cao, từ biểu hiện bên ngoài đến chiều sâu nội tâm, từ đơn giản đến phức tạp. Muốn cho trẻ có tình yêu Tổ quốc thì ngay từ nhỏ đứa trẻ đó đã phải cảm nhận được tình thương từ cha mẹ, ông bà, những người xung quanh rồi từ đó tình yêu quê hương, xứ sở, đến tình yêu đất nước sẽ theo quy luật tâm lý mà phát triển. Cho đến khi trưởng thành, những đưa trẻ trở thành người lớn và lại đảm nhận trách nhiệm mới trong gia đình, gia đình vẫn luôn tác động và giữ cân bằng phát triển tình cảm và đạo đức cho các thành viên.
Như vậy, gia đình là thiết chế xã hội tạo ra những điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân phát triển trên các phương diện: thể chất, trí tuệ, tình cảm, đạo đức. Phát triển con người toàn diện không chỉ là nhiệm vụ của gia đình, mà còn là nhiệm vụ nhà trường và xã hội. Nhưng so với nhà trường, xã hội thì thiết chế gia đình tác động tới nhiều mặt của nhân cách con người hơn. Trong quá trình giáo dục gia đình, nhân cách con người không chỉ được xây dựng, vun trồng, mà gia đình còn có chức năng điều tiết sự lệch lạc cho mỗi thành viên. Mỗi hành động sai sẽ được chỉ bảo làm cho đúng, một tình cảm lệch lạc sẽ được uốn nắn lại, một nhận thức không đúng đắn sẽ được sự tận tình hướng dẫn ngay với những thành viên đã trưởng thành. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, nhờ tiếp xúc với anh, chị, em của mình ở mọi lúc, mọi nơi trẻ sẽ nhận thấy được những bất công nho nhỏ, những xúc phạm nhẹ nhàng, những việc vụn vặn hằng ngày… và sẽ được điều hòa một phần bằng sự tác động từ phía cha, mẹ. Phần lớn trẻ sẽ nhận thức nhờ từ nảy sinh tình cảm bạn bè, tình thương mến, sự đoàn kết anh chị em với nhau. Thông qua sự va chạm và cách thức giải quyết trên tình cảm gia đình, mỗi đứa trẻ sẽ dần thích ứng với xã hội. Nếu không được học và tập dần những va chạm từ nhỏ trẻ sẽ dễ thất bại trong cuộc sống sau này. Điều này là sự tập dượt cho con người trước khi bước vào cuộc sống ngoài xã hội.
Trong tình hình đạo đức xã hội diễn biến phức tạp dưới tác động của cơ chế thị trường thì gia đình là nơi lý tưởng để hạn chế các nguồn tác động phức tạp, ngược chiều đối với việc hình thành và phát triển nhân cách mỗi cá nhân. Giáo dục gia đình vì thế góp một phần quan trọng vào việc tạo cho con người thích ứng với yêu cầu xã hội.