Bác Hồ từng nói “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sáng”. Việc giáo dục trẻ thông qua các tấm gương là việc làm thiết thực. Có rất nhiều biện pháp để giáo dục trẻ, một trong những biện pháp hữu hiệu trong gia đình phải nói đến chính là sự làm gương của người lớn, nhất là cha mẹ trong gia đình. N. I. Nô vi cốp nói rằng “Không gì có thể tác dụng lên tâm hồn non nớt của trẻ mạnh hơn quyền lực của sự làm gương, còn giữa muôn vàn tấm gương thì không có gì gây ấn tượng sâu sắc và bền chặt bằng sự mẫu mực của bố mẹ”. Trong gia đình, cha mẹ là người mà đứa trẻ gần gũi nhất, có tình cảm nhiều nhất, hơn nữa cơ chế học tập của trẻ chủ yếu lại là bắt chước nên việc bố mẹ và những người lớn trong gia đình cần làm gương cho trẻ là việc hết sức cần thiết. Cha mẹ nên làm gương về những điều sau để giúp cho con hình thành phẩm chất đạo đức: Thứ nhất, làm gương về sự hiếu thảo của cha mẹ đối với ông bà và những người lớn khác trong gia đình, họ hàng; thứ hai, làm gương về việc tự học tập của bố mẹ; thứ ba, làm gương về tinh thần tự giác việc rèn luyện thân thể và cuối cùng là làm gương về lời nói, hành vi cử chi khi giao tiếp ứng xử với người khác một cách chuẩn mực.
Mặt khác, cha mẹ nên cho con tiếp xúc với nhiều tấm gương sáng trong dòng họ, trong làng xóm, thôn, ấp, khu phố trong huyện, tỉnh và hay có thể là những tấm gương được tìm thấy trong những cuốn sách. Nếu địa phương nào có những danh nhân, công thần với đất nước thì nên phát động phong trào tìm hiểu về các vị danh nhân đó, cha mẹ cũng có thể tìm hiểu và trao đổi, kể cho con trẻ vào những lúc bên con. Ví dụ: Ở Nghệ An là tỉnh thành có nhiều anh hùng, nhiều danh nhân tiêu biểu về nhiều lĩnh vực nổi bật nhất là bác Hồ Chí Minh. Việc phát động và duy trì chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ nên được phổ biến đến từng gia đình, từng trẻ em để các em thấm nhuần đạo đức từ tấm bé.