Ai trong cuộc đời cũng muốn con cháu mình thành người có đức, có tài, hiếu thảo với cha mẹ ông bà, có ích với quê hương đất nước, trở thành người tốt đẹp. Để có được con người như thế cần phải xem trọng công tác giáo dục “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nhà văn Victor Hugo đã từng nói “Một đứa trẻ được dạy bảo tốt sẽ trở thành người tốt”. Khi giáo dục cần giáo dục cả đức với tài cho con người. Bác Hồ từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Trong giáo dục đạo đức được xem như gốc rễ, tài năng được xem như cành lá. Một cái cây có gốc rễ vững vàng sẽ phát triển tốt tươi, đơm hoa kết quả ngọt. Còn nếu gốc rễ sâu mọt dù cành lá có xum xuê, xanh tốt thì cây ấy rồi cũng chết sớm và có thể sâu mọt lan sang cả rừng cây, làm chết cả rừng cây. Theo số liệu thống kê hiện nay của Bộ công an cho thấy ước tính mỗi năm Việt Nam có ít nhất khoảng 18.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó 63% các vụ vi phạm pháp luật là vi phạm hành chính, còn 37 % là phạm tội hình sự. Trong giai đoạn từ 2006 -2018, số vụ vi phạm hành chính do người chưa thành niên thực hiện giảm mạnh (66%), trong khi số vụ phạm tội hình sự của người chưa thành niên giảm với tốc độ chậm hơn nhiều (gần 35%). Điều đó khiến cho tỷ trọng các vụ phạm tội hình sự trên tổng số vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện lại tăng lên. Kết quả thống kê thật đáng lo ngại, đáng báo động vì tỉ trọng các vụ phạm tội hình sự ngày càng tăng hơn, nếu năm 2006 vi phạm hình sự chỉ chiếm 27% trong tổng số vi phạm pháp luật thì đến năm 2018 tội phạm hình sự của người chưa thành niên tăng lên 42%.
Kết quả cho thấy trong các vùng miền thì bắc trung bộ và duyên hải miền trung người chưa thành niên vi phạm pháp luật luôn chiếm tỷ lệ cao nhất từ năm 2012 -2018. Trong văn kiện của Đảng chỉ ra rằng: “Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ”.Việc trẻ em hư hỏng, suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luật như vậy do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính đến từ phía gia đình nên mới có câu nói “Con hư lỗi cả mẹ cha, cháu hư là lỗi cả bà lẫn ông”. Hiện nay có nhiều gia đình đã làm hư hỏng con cái bằng cách đáp ứng mọi nhu cầu của con, chiều chuộng con một cách thái quá dẫn đến chúng sống một cách ích kỷ, xem mình là vua của cả nhà ai cũng phải cung phụng, phục vụ, sống một cách buông thả, vô cảm. Rất nhiều cha mẹ ông bà đã cho rằng đó là tình yêu thương với con cháu nhưng thật ra đó lại là một nhận thức sai lầm. Trong các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng “Tình yêu đối với con cái rất cần thiết cũng như giống như ký sinh để chữa bệnh sốt rét, nhưng sử dụng quá liều lượng sẽ gây chết người.Tình yêu thái quá của bố mẹ đối với con cái mình sản sinh ra chủ nghĩa cá nhân, tính tham lam và những thói xấu khác ngăn cản nhân loại hòa hợp vào một cộng đồng anh em thống nhất”. Mặt khác, một số gia đình lại quan niệm rằng “Thương cho roi cho vọt” nên trong quá trình giáo dục thường xuyên sử dụng đòn roi. Nhận thức này cũng sai lầm luôn. Kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý cho thấy “Từ những đứa trẻ bị đánh đập và cấm đoán nhiều sẽ sinh ra những con người hoặc bạc nhược vô tích sự hoặc độc đoán, suốt đời sẽ trả thù cho tuổi thơ bị dồn nén của mình”. Hơn nữa, hiện nay tình trạng ly thân, ly hôn trong các gia đình đang ngày càng gia tăng, điều này làm cho tình trạng suy đồi đạo đức càng trở thành vấn nạn trầm trọng hơn. Có khoảng 70 -80% những đứa trẻ phạm pháp đều xuất phát từ gia đình chia rẽ (gia đình khuyết thiếu bố hoặc mẹ). Đứa trẻ sống trong môi trường gia đình có cha mẹ ly thân, ly hôn, góa bụa sẽ có sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng xấu. Mặt khác, các gia đình hiện nay cưới vội, cưới sớm, kiến thức kỹ năng hôn nhân không có hoặc chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng đối xử với nhau một cách bạo lực, thiếu đạo đức đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Kết quả thống kê cho thấy: 32 % phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã phải chịu đựng bạo lực thể xác trong đời; 54 % phụ nữ cho biết đã phải chịu bạo lực tinh thần và 25% bạo lực tinh thần trong 12 tháng gần nhất. Mới đây, theo thống kê của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong tháng 4-2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội), tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý. Những đứa trẻ sống trong môi trường gia đình không êm ấm, bầu không khí căng thẳng, cha mẹ đối xử hà khắc, độc ác với con, với người bạn đời,…sẽ khiến cho con trẻ dễ chịu ảnh hưởng của nhóm bạn không chính thức tiêu cực, từ đó dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, bỏ học và trở thành trẻ em đường phố. Thêm vào đó, rất nhiều gia đình hiện nay lo kiếm tiền, chạy đua về vật chất dẫn đến thiếu sự quan tâm, chia sẻ, hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời cho con những kỹ năng cần thiết trong ứng xử, cách sống, cách tự phục vụ nên dẫn đến trẻ thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào những hành động xấu, lời nói xấu thiếu chuẩn mực, đạo đức của bạn bè, của phương tiện truyền thông, của mạng xã hội.