Tác động của quá trình công nghiệp hóa, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, tác động của một số chính sách đã làm cho giáo dục gia đình bị ảnh hưởng nhiều. Do vậy cần xây dựng tinh thần tự tin, tự trọng và tự chủ cho thế hệ trẻ. Đây là mục tiêu quan trọng trong giáo dục đạo đức lối sống của gia đình Việt Nam, do ảnh hưởng của Nho giáo, chú trọng nhiều hơn đến nhiệm vụ đào tạo những đứa con hiếu thảo biết vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và thương yêu đùm bọc anh chị em. Đây là những giá trị đúng đắn trong giai đoạn đầu đời của trẻ em; tuy nhiên qua thời gian, cùng với sự phát triển của kiến thức và trí khôn, trẻ em phải dần dần được tập, được khuyến khích nói lên những ý tưởng của mình một cách lễ phép, chứ không nhất thiết phải luôn luôn vâng lời người lớn. Vâng lời thầy cô một cách máy móc sẽ dẫn đến sự suy thoái trong giáo dục ở học đường. Vâng lời cha mẹ một cách máy móc sẽ dẫn đến việc suy thoái trong đối thoại ở gia đình giữa cha mẹ và con cái. Khi con cái được thấm dần thói quen luôn luôn vâng lời cha mẹ sẽ dẫn đến giai đoạn nó không còn thấy có gì hứng thú trong đối thoại với cha mẹ và sẽ lảng tránh đối thoại để khỏi phải giả vờ đồng ý với cha mẹ. Cũng có trường hợp một số cha mẹ thành công trong việc giáo dục để con cái luôn nghe theo mình và cho rằng đó là “niềm tự hào” của gia đình, vô hình dung đã triệt tiêu những ý tưởng độc lập của con. Tuy nhiên có cha mẹ nào muốn con mình lấy những người không có tính độc lập, tự chủ này làm vợ hay làm chồng không? đây là một nghịch lý trong giáo dục con cái của nhiều cha mẹ Việt Nam (GS Trần Đình Tuấn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do:
Nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trẻ trong gia đình. Có những bậc ông, bà, cha, mẹ chưa là tấm gương tốt cho con cháu noi theo. Một bộ phận trong xã hội suy tôn lối sống thực dụng, coi trọng giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị đạo đức; không tôn trọng các giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp của gia đình, có hành vi bạo lực với người thân;
Việc phối hợp giáo dục giữa ba môi trường: gia đình-nhà trường-xã hội còn có những bất cập, còn xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường, mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa nhà trường và cha mẹ đang có những biến đổi theo hướng tiêu cực,… do đó chưa phát huy tối đa hiệu quả trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ;
Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình còn có những khoảng trống, cần tiếp tục được hoàn thiện; việc thực hiện có lúc, có nơi còn thiếu nghiêm túc, chưa được đầu tư thỏa đáng;
Công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình chưa phát huy hiệu quả cao; nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước của các cấp, các ngành và người dân còn có những hạn chế.
Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, đặc biệt là với thế hệ trẻ-những chủ nhân tương lai của gia đình và đất nước.
Trước một thực trạng như vậy,vấn đề đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế là cần phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống để giữ gìn nề nếp, gia phong, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế hiện nay của gia đình.