Người Việt xưa và nay đều coi chuyện hôn nhân là việc “trăm năm”, “hệ trọng”, “đại sự” của mỗi cá nhân đến tuổi trưởng thành và gia đình của họ. Những cách nói ấy nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hôn nhân liên quan đến vai trò trách nhiệm cả cuộc đời người và thậm chí cả gia tộc, dòng họ nên không thể không chu đáo được. Vả lại, quan niệm cả truyền thống lẫn hiện đại đều coi chuyện “đỗ vỡ” (ly hôn) trong hôn nhân là bất thường, khó tránh bị dư luận dị nghị, xôn xao, xét nét, đàm tiếu, chê cười… và như vậy nó không chỉ ảnh hưởng đến thanh danh người vợ, người chồng mà còn cả bố mẹ, gia đình, dòng tộc, thậm chí có nơi cả cộng đồng.
Những hệ giá trị, thang giá trị, chuẩn mực trong hôn nhân xưa nay luôn được các bậc cha mẹ trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng rất coi trọng và theo đó nó có vai trò định hướng hành vi lựa chọn hôn nhân, tạo ra các mô hình hôn nhân đa dạng. Ngày nay, trong bối cảnh mới của sự tiếp biến, tương tác, hội nhập, hòa nhập và luôn biến đổi văn hóa xã hội, các thang giá trị về hôn nhân cũng có nhiều sự biến đổi theo. Thiết chế hôn nhân và giáo dục định hướng hôn nhân ở nước ta nói chung, đặc thù văn hóa, vùng miền nói riêng đã thực sự có những “nới lỏng”, “cởi mở” hơn do ảnh hưởng của bối cảnh. Những thang giá trị định hướng giáo dục hôn nhân trong các gia đình, cộng đồng hướng đến các chỉ báo, như: đề cao học vấn; giá trị nghề nghiệp mang lại giàu có về kinh tế; tính cơ động, thăng tiến vị thế và địa vị xã hội; được xã hội trọng vọng, mang lại danh gia vọng tộc; “quốc tế hóa” gia đình… và có sự biến đổi hoàn toàn khác trước để phù hợp và hòa nhập vào bối cảnh mới. Do vậy nhiều thang giá trị mới, những quan niệm mới trong giáo dục định hướng hôn nhân của các gia đình và nhiều mô hình hôn nhân mới xuất hiện, từ đó hình thành những loại hình gia đình hạt nhân hóa, hiện đại hóa, quốc tế hóa v.v… và có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến.