Từ nhỏ với tiếng ru ngọt ngào của mẹ “Công cha như núi thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” những câu ca dao ấy đã đi vào lòng người, đã làm cho biết bao nhiêu người con cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy cần phải sống có nghĩa có tình, hiếu thảo. Và cũng có người nói “Trong thời chiến Thơ cần như cơm, trong thời bình Thơ cần hơn cơm”. Con người nào được lớn lên với tình yêu thơ văn tha thiết, thấu hiểu sâu sắc dân ca, tục ngữ Việt đều có xu hướng sống rất lành mạnh đạo đức.
Mỗi một bài hát dân ca, mỗi câu thơ thấm đượm tình người làm cho người ta muốn sống và phải sống rất đạo đức, tử tế. Vì vậy, việc xây dựng tình yêu với thơ văn dân ca, tục ngữ Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng cần được thực hiện qua đó cũng là cách giáo dục trách nhiệm cho thế hệ trẻ. Trong một gia đình nếu cha mẹ là người thuộc, thấu hiếu và giáo dục, hun đúc tinh thần yêu thơ văn, dân ca này sẽ làm cho con cái tâm hồn trong sáng, thánh thiện hơn. Cần phát động cuộc thi tìm hiểu về dân ca, tục ngữ nói về đạo đức và giáo dục đạo đức đối với từng gia đình.
Ở nước ta, hầu hết các địa phương đều có thơ ca, tục ngữ về địa phương mình, để qua đó giáo dục truyền thống, đạo đức thông qua những áng thơ, bài ca, tục ngữ của địa phương đó.
Ví dụ: Nghệ An tự hào có điệu hò ví dặm làm say đắm lòng người, chẳng hạn lời của bài hát Về Xứ Nghệ cùng em có câu “Dù một nắng hay sương nhưng ấm bao tình nghĩa, rằng gừng cay muối mặn tiếng nói nỏ giống ai”. Ngôn ngữ (giọng điệu, từ ngữ) xứ nghệ là một đặc sản, một đặc trưng, một bản sắc độc đáo cần được bảo tồn và phát huy trong chính các gia đình.