Con người là sản phẩm của xã hội, có sự tác động của cả hệ thống giáo dục trong đó có giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đang đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội đang đặt ra những yêu cầu mới trong việc xây dựng nguồn nhân lực mới, con người mới. Con người mới đó cần phải có trí tuệ, đạo đức, sức khoẻ, tình cảm, có tính độc lập, tự chủ. Con người lao động kiểu mới, lao động có kỹ thuật, có kỷ luật và có năng suất cao.
Tạo dựng được những con người và thế hệ con người như vậy không chỉ là sự nghiệp riêng của giáo dục nhà trường và xã hội. Người ta nhận thấy rằng, ở giai đoạn đầu đứa trẻ tiếp thu văn hóa, kinh nghiệm xã hội không phải bằng lý trí và tư duy khái niệm mà đơn giản là khả năng bắt chước, thông qua cử chỉ, tình cảm của những người gần gũi xung quanh. Trong các giai đoạn xã hội hóa, gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn xã hội hóa ban đầu. “Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng gia đình là thể chế đầu tiên quyết định sự hình thành nhân cách trẻ. Trong các lớp của cấu trúc nhân cách thì lớp căn bản, có ý nghĩa tạo dựng được là nhân cách cơ sở (hay nhân cách gốc) được hình thành chủ yếu trong môi trường gia đình”. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái là một yếu tố hiệu quả nhất trong quá trình dẫn dắt trẻ thơ thích nghi đối với đời sống xã hội. Tình yêu thương và sự chăm sóc của bố mẹ đối với con cái trong những năm đầu có ý nghĩa rất to lớn trong sự phát triển tâm hồn, tình cảm, tinh thần, đạo đức của mỗi đứa trẻ.
Có thể nói gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của trẻ em ở tuổi ấu thơ. Gia đình trở thành nơi thực hiện chức năng giáo dục ban đầu quan trọng nhất, là nơi các thế hệ cha mẹ từng bước dẫn dắt các thế hệ con cái hòa nhập xã hội. Nghiên cứu tính cách cá nhân của đứa trẻ được hình thành người ta thấy thái độ ứng xử, tình cảm, đạo đức của nó lớn lên khi đứa trẻ được quá trình giáo dục trong gia đình. Gia đình là nơi giúp con trẻ hình thành và phát triển tình cảm và đạo đức. Trẻ em được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, chăm sóc của gia đình sẽ giúp trẻ hình thành và phát triển dần tình cảm, đạo đức trẻ trong gia đình đến ngoài xã hội. Muốn cho một đứa trẻ có tình yêu đối với quê hương, tổ quốc và nhân loại, thì phải làm sao cho đứa trẻ đó học được, có được tình yêu thương đối với ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình. Như vậy, để giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ chúng ta cần quan tâm đến mọi mặt trong cuộc sống hàng ngày, từ việc tổ chức cuộc sống gia đình, đến sinh hoạt hằng ngày của con trẻ, thái độ cư xử với người xung quanh, quan tâm, trách phạt…đều mang ý nghĩa giáo dục, in đậm vào tâm thức mỗi con người. Nói cách khác, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, chất lượng cuộc sống của gia đình được in dấu rõ rệt vào nhân cách mỗi con người.