“Gia đình với vai trò là thiết chế xã hội đầu tiên chịu trách nhiệm với việc xã hội hóa trẻ em, truyền thụ những giá trị văn hóa và xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua đó, các giá trị này được bảo tồn và phát huy’’. Như vậy, một phần của giáo dục gia đình là quá trình chuyển giao các giá trị văn hóa giữa các thế hệ trong gia đình. Quan hệ ứng xử trong mỗi gia đình và xã hội được hình thành liên tục qua các thế hệ, dưới nhiều hình thức thành văn và không thành văn.
Gia đình là nơi trao quyền nhân tính đầu tiên cho các thế hệ mới ra đời, đó là những giá trị nhân bản cao đẹp và thiêng liêng của con người, qua sự ứng xử của các thành viên gia đình với nhau và với đứa trẻ, giúp cho nó hiểu các quan hệ huyết thống, ứng xử của người thân yêu, giúp cho đứa trẻ nhận ra rằng gia đình là sức mạnh của nó và bảo vệ nó. Quan trọng hơn giáo dục gia đình giúp đứa trẻ ứng xử với các quan hệ gia đình và dần mở rộng ra các quan hệ xã hội. Gia đình còn là chiếc cầu nối để đứa trẻ tiếp nhận và hòa nhập vào thế giới xung quanh, thế giới vật chất, tinh thần của cộng đồng dân tộc và nhân loại.
Văn hóa gia đình là các giá trị gắn liền với các mặt của quan hệ gia đình và đời sống gia đình bao gồm các thành tố cơ bản: môi trường văn hóa gia đình, hoạt động sáng tạo và truyền thụ văn hóa giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nhân cách gốc cho mỗi đứa trẻ.
Trên thực tế, chính từ cái rất cụ thể của gia đình mà hằng ngày con người được tiếp nhận, được thấm đượm trong môi trường gia đình lành mạnh thường tạo ra các thế hệ tương lai có ích cho gia đình và đất nước. Tác giả Lê Minh trong cuốn sách “Văn hóa gia đình Việt Nam và sự phát triển xã hội” nhấn mạnh: “Cái gốc văn hóa của con người là tiếp thu từ gia đình, từ truyền thống văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình tỏ ra môi trường sống, trong không khí sống của gia đình, trong mọi ứng xử của những thành viên trong gia đình đối với nhau, và đối với những người xung quanh”. Muốn có một môi trường sống, không khí sống giữa các thành viên thật sự văn hóa thì ngay từ khi lọt lòng trẻ nhỏ cần được tiếp nhận sự giáo dục ngay từ cha mẹ, ông bà và các thành viên khác trong gia đình. Mà các giá trị đứa trẻ cảm nhận hằng ngày từ khi còn trẻ thơ đến lúc trưởng thành ngay trong gia đình là cách cư xử giữa cha với mẹ, tình cha con, mẹ con, truyền thống kính già yêu trẻ, sống có trách nhiệm giữa các thành viên… là những yếu tố cấu thành giá trị chung của văn hóa xã hội lại do giáo dục gia đình xây dựng nên.
Đồng thời văn hóa gia đình góp phần duy trì và phát triển văn hóa các nhóm cộng đồng xã hội. Nó lưu giữ, bảo tồn các giá trị, chuẩn mực các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng trong đời sống gia đình. Bởi vì “Văn hóa biểu hiện năng lượng và tiềm năng sáng tạo của con người. Văn hóa đã giúp con người điều hành và phát triển tư duy, cung cấp các tri thức cho con người để lao động, sáng tạo và tồn tại. Nó cũng giúp cho con người định hình và phát triển nhân cách cũng như cách ứng xử giao tiếp trong đời sống gia đình và xã hội”. Giá trị văn hóa lớn lao là như vậy, và đối với mỗi con người văn hóa lại được hình thành và phát triển ngay trong mỗi gia đình, trong giáo dục hằng ngày của ông bà, cha mẹ từ khi còn nằm nôi đến khi trưởng thành. Từ đó, các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình luôn gắn kết giá trị tốt đẹp của cộng đồng. Văn hóa gia đình thông qua việc trao truyền văn hóa cộng đồng cho các thành viên của nó mà góp phần vào sự phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời văn hóa gia đình cùng văn hóa các vùng, miền, các sắc tộc tạo nên tính phong phú, đa dạng của văn hóa của đất nước. Mỗi gia đình do những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau, đã hình thành nên những truyền thống, thị hiếu, nghề nghiệp khác nhau. Trong lịch sử dân tộc ta, nhiều gia đình gắn với lịch sử tồn tại lâu dài đã phát triển các giá trị văn hóa dân tộc lên trình độ cao, trở thành “gia phong” của họ. Đó là những phương châm hành xử của các gia tộc, kết tinh các giá trị, chuẩn mực văn hóa của xã hội được bồi đắp thành truyền thống của gia đình với một tình cảm thiêng liêng.
Gia đình với tư cách là một nhóm xã hội – một “ xã hội vi mô” vừa chịu sự tác động của xã hội, vừa tác động trở lại xã hội. Mỗi cá nhân đều bắt đầu từ gia đình, chịu sự giáo dục của gia đình, nền văn hóa cá nhân bắt đầu từ văn hóa gia đình và mang dấu ấn của gia đình. Do vậy chăm lo giáo dục gia đình là công việc thường xuyên, suốt đời trong mỗi người, mỗi thành viên (cha – mẹ, ông – bà…), cần thiết giáo dục cho mỗi thành viên nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc. Nhất là trong thời kỳ phát triển kinh kế thị trường, hội nhập quốc tế, nếu mỗi con người thiếu văn hóa thì không thể làm tròn bổn phận của một công dân tốt, thậm chí gây tổn hại đến kinh tế và ảnh hưởng xấu trong xã hội. Việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc là một cuộc vận động, giáo dục, đấu tranh nhằm duy trì lòng tự hào dân tộc, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, bảo vệ lẽ phải và công bằng đó là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân trong đó giáo dục gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng mà không một thiết chế xã hội nào thay thế được.