Trong việc giáo dục con hiện nay, đại đa số cho rằng đây là trách nhiệm chung của hai vợ chồng nhưng một bộ phận người dân vẫn coi việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm chính của người vợ. Theo giới, phụ nữ đề cao vai trò của chính mình trong việc nuôi dạy con cái hơn nam giới. Mức điểm trung bình nam giới dành cho quan niệm “nuôi dạy con là trách nhiệm chung của hai vợ chồng” là 4,44 điểm, cao hơn so với phụ nữ (4,35 điểm). Ngược lại, quan niệm vợ nên chịu trách nhiệm chính trong nuôi dạy con cái thì phụ nữ đồng ý ở mức 3,17 điểm và nam đồng ý ở mức 2,95 điểm. Những người trẻ, học vấn cao, dân tộc thiểu số, có cách nhìn hiện đại hơn và bình đẳng hơn về việc nuôi dạy con cái theo hướng là trách nhiệm của hai vợ chồng chứ không phải của phụ nữ. Ví dụ, mức độ đồng ý của nhóm trẻ nhất, sinh năm 1986-nay, với nhận định “vợ nên chịu trách nhiệm chính trong nuôi dạy con” chỉ là 2,82 điểm, thấp hơn so với các nhóm sinh trước đó (trên 3 điểm). Như vậy, chính phụ nữ là nhóm đối tượng bảo lưu cách nhìn truyền thống hơn về việc phân công nuôi dạy con cái trong gia đình giữa vợ và chồng và điều này có thể tạo ra gánh nặng và áp lực cho chính họ.
Trong việc giáo dục đạo đức cho con cái, cha mẹ chú trọng giáo dục các đức tính tốt đẹp cho cả con trai và con gái, không có sự phân biệt theo giới tính của con, trong đó cha mẹ coi trọng nhất việc con cái nghe lời và khéo cư xử với tỷ lệ lựa chọn gần như tuyệt đối. Ngược lại, việc cha mẹ dạy con làm các công việc nhà có sự phân biệt theo giới một cách rõ nét. Cha mẹ thường dạy con gái hai công việc thường được gắn cho phụ nữ gồm dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn, may vá (trước đây) trong khi việc sửa chữa các vật dụng trong gia đình, cha mẹ thường dạy con trai nhiều hơn. Cách thức giáo dục này của cha mẹ có thể góp phần hình thành quan niệm về sự phân công lao động theo giới của con cái sau này.