Trật tự gia đình là nền tảng của trật tự xã hội. Nước không thể có kỷ cương, nếu gia đình không có trật tự, gia phong. Bởi vậy Nhà nước luôn tạo điều kiện để cho gia đình ổn định và phát triển trong đó tổ chức gia đình, giáo dục, văn hóa và các mối quan hệ gia đình luôn được đề cao. Gia đình truyền thống Việt Nam kết hợp từ chuẩn mực Nho giáo với quan niệm sống của dân tộc để xây dựng gia quy, gia pháp, gia giáo, gia lễ, gia phong theo kiểu Việt Nam không khắc nghiệt, khắt khe như gia đình cổ Trung Quốc nhưng cũng tạo ra trật tự bền vững và phát triển nhân cách con người, hình thành một hệ thống những chuẩn mực và giá trị về gia đình chặt chẽ, chi phối mọi hoạt động của con người. Các mối quan hệ cơ bản là: Cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, anh em như thể chân tay, vợ chồng chung thủy.
Ngày nay, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ dựa trên tình yêu thương mà còn trên cơ sở của pháp luật, của quy luật thị trường và xã hội dân chủ. Trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên trong gia đình đang tiến dần tới sự công bằng. Mối quan hệ giới cũng được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt mỗi người tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước gia đình, pháp luật và xã hội. Hoàn cảnh mới đã tạo ra tính năng động cho các thành viên của gia đình.
Giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc kết hợp với hiện đại không phải là việc dễ làm. Nó đòi hỏi các bậc cha mẹ phải học hỏi và đây là quá trình học tập suốt đời, học cách làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ, làm con…
Ngày nay, chúng ta không nên áp dụng một cách cứng nhắc, khuôn mẫu các mô hình gia đình xưa nhưng cũng không nên phá bỏ các giá trị chuẩn mực truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ ngàn đời mà cần khai thác, thừa kế nó trong việc xây dựng một khuôn mẫu mới phù hợp với hoàn cảnh và lối sống hiện đại. “ Gạn đục, khơi trong” là kinh nghiệm sáng suốt và khôn ngoan của cha ông ta nhưng “gạn” cái gì và “khơi” cái gì là một vấn đề không đơn giản. Nó đòi hỏi phải có những nghiên cứu công phu, có cơ sở lý luận và thực tiễn và cả tâm huyết của chúng ta.