Trước hết, mỗi thành viên cần nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng mái ấm gia đình; biết cách điều hoà mọi công việc, mối quan hệ để giữ gìn mái ấm của mình. Mỗi thành viên phải có thái độ, hành động sống có trách nhiệm và tôn trọng lẫn nhau, vì sự bền vững của gia đình chính là nền tảng phát triển xã hội. Ông bà, cha mẹ phải luôn luôn nhắc nhở con cháu làm sao phải dung hòa mọi công việc, làm gì thì làm cũng không được phép sao nhãng việc gia đình, phải là trụ cột quan tâm, dạy bảo các con. Chẳng hạn như sống trong gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, các thành viên sẽ có những quan điểm sống và suy nghĩ khác nhau. Do vậy, để chung sống hòa thuận dưới một mái nhà, người trụ cột trong gia đình thường xuyên khuyên con, cháu lúc nào cũng phải đặt đạo đức lên hàng đầu. Con cháu phải biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, yêu thương anh chị em như chân với tay. Con cái sinh ra phải răn dạy từ nhỏ, cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo.
Đối với ông bà, chúng ta phải kính trọng, hiếu thảo, lễ phép vâng lời dạy bảo của ông bà; chúng ta phải thường xuyên thăm hỏi sức khỏe, động viên và chia sẻ tâm tư tình cảm giúp họ có được cảm giác yêu thương, quan tâm vì người già thường rất sợ cô đơn; đặc biệt phải dành thời gian tham gia các sự kiện của gia đình, dòng tộc, tổ chức để họ thấy sự quan tâm của con cháu dành cho mình.
Đối với cha mẹ, chúng ta phải luôn luôn làn tròn chữ hiếu, thờ mẹ kính cha giữ tròn bổn phận làm con. Đó không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà đó cũng là cách sống, đạo đức con người. Chúng ta phải luôn tự nhắc nhở bản thân, phải tuân theo những cách thức ứng xử hợp đạo lý và làm tròn đạo hiếu với cha mẹ.
Đối với anh chị em, chúng ta phải biết đoàn kết, yêu thương, hòa thuận, đùm bọc, giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau. Dù cho cuộc sống có bận rộn đến đâu cũng phải thường xuyên liên lạc, hỏi thăm nhau, chia sẻ, động viên khi gặp phải những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống. Mỗi thành viên đều có thể thấy trong gia đình, tình cảm và sự dành tặng cho nhau những điều tốt nhất, đó chính là món quà tinh thần vô giá dành tặng cha mẹ giúp họ thêm vui, sống lâu với chúng ta.
Đối với mỗi thành viên trong gia đình, khi tham gia các trang mạng xã hội, cần phải biết chắt lọc những thông tin, tránh rơi vào lối sống ảo, đăng tải những hình ảnh mang tính tiêu cực làm ảnh hưởng đến nhân phẩm đạo đức, thuần phong, mỹ tục vốn có từ bao đời của nền tảng văn hóa gia đình của dân tộc. Bởi lẽ sống ảo rất dễ khiến cho chúng ta rơi vào tình trạng cô lập, dần dần xa lánh gia đình, người thân đổi lấy tình yêu trên mạng. Thậm chí sống ảo sẽ khiến cho chúng ta càng ngày càng xa rời với cuộc sống thực, dễ dàng quên đi người thân đang sống bên mình đầu óc trở nên mộng mị, không định hướng gì đến cuộc sống thực tại. Nhà nước cũng cần phải có những cơ chế, biện pháp ngăn chặn sự tràn lan của những app mạng xã hội có khả năng gây ra sự sống ảo cho giới trẻ. Những app này thực sự cũng chẳng mang lại lợi ích gì nhiều cho cộng đồng ngoài việc thu lợi nhuận từ các nhà phát triển. Gia đình cũng cần phải giáo dục con cái khi bước chân vào mạng xã hội này.