Thống nhất nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCBLGĐ, tránh tình trạng các nhiệm vụ có liên quan đến nhau đang phân cho nhiều cơ quan khác nhau quản lý dẫn đến chưa có sự phù hợp, liên kết chặt chẽ
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ tại địa phương theo địa giới hành chính. Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp nhằm bảo đảm tính thống nhất và là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ của từng địa phương.
Nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCBLGĐ được quy định tại Điều 46 của Luật:
“Điều 46. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình
1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
3. Thực hiện công tác thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình.
6. Khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình.
7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Đồng thời Luật quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
“Điều 50. Trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp
1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình theo thẩm quyền tại địa phương.
2. Bố trí kinh phí, nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý theo quy định của Luật này.
3. Hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương”.