Một là, nâng cao hiểu biết xã hội và nhận thức pháp luật của phụ nữ để thúc đẩy sự tiếp cận công lý: Tiếp tục tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, BLGĐ và Luật Phòng, chống BLGĐ, nhất là về các quyền của phụ nữ được pháp luật bảo vệ khỏi BLGĐ. Cần đặc biệt quan tâm phát triển các hoạt động này tại các cộng đồng dân tộc thiểu số. Tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tư vấn và hỗ trợ cho cán bộ phụ nữ cơ sở và thiết lập mạng lưới phụ nữ tham gia bảo vệ phụ nữ bị BLGĐ tại cơ sở. Xây dựng và mở rộng hoạt động của các câu lạc bộ phụ nữ bị BLGĐ nhằm nâng cao nhận thức về BLGĐ, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ bị bạo lực, tạo điều kiện cho phụ nữ được chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi cách giải quyết vấn đề BLGĐ, hỗ trợ tâm lý và tình cảm, và tham gia xây dựng các kế hoạch ứng phó với BLGĐ tại cộng đồng. Đẩy mạnh vai trò của truyền thông đại chúng, tăng cường việc truyền thông về luật bình đẳng giới và Luật Phòng, chống BLGĐ, tăng cường truyền tải các thông điệp lên án các hành vi bạo lực dưới mọi hình thức và hướng dẫn cách tìm kiếm sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, đồng thời mở rộng tuyên truyền xóa bỏ các định kiến giới.
Hai là, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ pháp lý nhằm giải quyết những khó khăn của phụ nữ bị bạo lực gia đình trong tiếp cận công lý: Nâng cao hiểu biết pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho cán bộ hỗ trợ pháp lý cơ sở, nhất là đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số – nơi các nữ nạn nhân rất cần được hỗ trợ pháp lý. Mở rộng phạm vi tư vấn và hỗ trợ pháp lý giúp phụ nữ bị BLGĐ tháo gỡ khó khăn trong khi theo đuổi công lý. Dịch vụ hỗ trợ pháp lý cần cung cấp thông tin và tư vấn cho phụ nữ về quyền của họ đối với tài sản và đất đai hoặc quyền nuôi con cũng như các vấn đề khác để giúp họ vượt qua được rào cản trong quá trình theo đuổi công lý. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động hỗ trợ pháp lý, để giải quyết khó khăn khi nhu cầu hỗ trợ pháp lý lớn, nhưng nguồn lực nhà nước dành cho các dịch vụ hỗ trợ pháp lý còn hạn chế.
Ba là, tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện khung khổ pháp luật để nâng cao hiệu quả giải quyết và xử lý vấn đề bạo lực gia đình: Tiếp tục nghiên cứu cải tiến để các thủ tục pháp lý trở nên đơn giản hơn, giúp cho nạn nhân dễ ghi nhớ để có thể thực hiện. Các thủ tục cũng cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn để có thể kịp thời thực hiện các hoạt động can thiệp và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, cơ quan chức năng trong giải quyết các vụ việc BLGĐ. Tiếp tục xây dựng khung hình phạt cụ thể cho những loại hành vi bạo lực mà hiện nay chưa có quy định về hình thức xử phạt, ví dụ bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh các biện pháp xử phạt chưa hợp lý, ví dụ nên chấm dứt sử dụng biện pháp phạt tiền (xử phạt hành chính) và thay bằng việc truy tố trước pháp luật, áp dụng những mức phạt nặng hơn đối với các trường hợp có hành vi bạo lực gây ra thương tích ở mức dưới 11% nhưng đã được xử lý nhiều lần mà vẫn tái diễn. Bổ sung chế tài xử lý đối với các trường hợp các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định khi giải quyết vụ việc BLGĐ.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu kiện, khiếu nại của các cơ quan chức năng: Cam kết thực hiện phòng, chống BLGĐ ở tất cả các cấp chính quyền, xây dựng và sử dụng chỉ tiêu phòng, chống BLGĐ làm tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của các cá nhân và ban, ngành chức năng. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm xóa bỏ định kiến giới và nâng cao năng lực giải quyết khiếu kiện, khiếu nại của cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức các hoạt động tập huấn về cách thức can thiệp và xử lý khi xảy ra BLGĐ. Thúc đẩy sự hợp tác đa ngành trong phòng, chống BLGĐ, xây dựng kế hoạch chung về phòng, chống BLGĐ, trong đó làm rõ cách phối hợp hoạt động phòng, chống BLGĐ giữa các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương.
Năm là, phát huy sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị – xã hội: Tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội cơ sở, tiếp tục tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới và nâng cao nhận thức pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ; mở rộng tập huấn nâng cao năng lực hòa giải và hỗ trợ pháp lý cho cán bộ đoàn thể cơ sở. Tiếp tục nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho cán bộ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo ở chính quyền cơ sở. Cần đẩy mạnh việc tạo điều kiện để cán bộ nữ có quyền tham gia và giám sát quá trình điều tra và xét xử các vi phạm liên quan tới BLGĐ đối với phụ nữ. Thúc đẩy sự chủ động của các cấp hội phụ nữ trong việc tham gia hỗ trợ các nữ nạn nhân tiếp cận công lý thông qua các hoạt động cụ thể như hỗ trợ cơ quan hội phụ nữ đảm nhận việc lập hồ sơ, theo dõi và quản lý các vi phạm liên quan tới BLGĐ đối với phụ nữ ở tất cả các cấp.
Sáu là, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, nhất là sự tham gia của nam giới: Nâng cao nhận thức cho cộng đồng nói chung và nam giới nói riêng về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Cần đặc biệt chú ý thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và ý thức thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ cho nam giới, tiến tới xóa bỏ định kiến giới trong cộng đồng. Cần xây dựng các câu lạc bộ cho nam giới có hành vi bạo lực để giúp họ nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi, tập trung vào các nội dung như tăng cường hiểu biết về các quy định pháp luật bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ, học hỏi và thực hành các kỹ năng sống trong gia đình, khuyến khích ứng xử bình đẳng…