Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, về tình dục, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm để các nạn nhân, gia đình nạn nhân hiểu và nhận thức đầy đủ quyền của mình để đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, đặc biệt là việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, bản, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp… Đặc biệt là việc quan tâm quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, có nhiều khả năng bị xâm hại.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan, trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân và trẻ em.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, do khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.