Trước những tiềm ẩn khó lường về tác động của công nghệ số, để bảo vệ trẻ em, các bậc phụ huynh và cơ quan có thẩm quyền cần làm tốt những điều sau:
Thứ nhất, về mặt quản lý nhà nước
Cần có những giải pháp cụ thể, bao gồm: Ban hành quy định buộc nhà cung cấp dịch vụ phải thông tin về quyền bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội; ứng dụng kỹ thuật để giảm rủi ro của trẻ em khi sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt, cần ban hành quy định chặt chẽ quản lý về độ tuổi của người sử dụng mạng xã hội; những trang thông tin thanh, thiếu, nhi được tiếp cận và không được tiếp cận; ngăn chặn những thông tin xấu độc, không phù hợp với từng lứa tuổi.
Trẻ em là lứa tuổi luôn tò mò, thích khám phá những điều mới mẻ nhưng chưa có kỹ năng sàng lọc thông tin, kỹ năng phòng tránh và tự bảo vệ mình trước những cám dỗ và những nguồn thông tin độc hại. Vì thế, các cơ quan chức năng phải định lượng độ tuổi an toàn mà trẻ em được tiếp cận, sử dụng mạng xã hội để có những khuyến cáo đến toàn xã hội, tăng cường việc hướng dẫn và giám sát của cha mẹ, thầy cô… nhằm tăng “sức đề kháng” cho các em, giúp các em sử dụng mạng xã hội hiệu quả, tự tin bước vào thời đại công nghệ số.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ.
Có cơ chế, chính sách thỏa đáng để động viên, khích lệ kịp thời những đơn vị thực hiện tốt các quy định và có nhiều sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Xử lý nghiêm những đơn vị cung ứng dịch vụ không thực hiện đúng cam kết hoặc để xảy ra sai phạm. Tùy mức độ vi phạm, cần có mức xử lý nghiêm khắc.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mạng xã hội
Cần có giải pháp mang tính thực chất, khả thi trong quản lý độ tuổi người sử dụng, cũng như ngăn chặn trẻ em tiếp cận nội dung không lành mạnh…
Xây dựng các modul riêng cho từng lứa tuổi, ứng dụng các phần mềm ngăn chặn trẻ em truy cập vào các trang thông tin xấu. Ngăn chặn các thông tin quảng cáo không phù hợp và gây nhiễu hoặc kích thích tính tò mò của trẻ.
Phối với với gia đình, nhà trường trong việc cung cấp, quản lý thông tin đối với thanh, thiếu, nhi thông qua thông tin cá nhân học sinh (số điện thoại, mã thông tin…)
Thứ ba, đối với gia đình
Cần giám sát việc trẻ sử dụng mạng xã hội. Điều hiển nhiên là chúng ta không thể cấm trẻ em tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghệ, mạng xã hội. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải xác định tư tưởng và định hướng tâm lý, hành động cho trẻ em trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ, mạng xã hội. Nếu các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm, chia sẻ, sẽ giúp các em được chuẩn bị về kiến thức và tâm lý, có chính kiến và biết đề phòng với các nội dung xấu, độc hại trên mạng xã hội. Đồng thời, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường để thường xuyên lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội, qua đó cùng đưa ra định hướng tốt nhất cho con.
Các bậc cha mẹ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với con, không được chủ quan, lơ là, cần giám sát chặt các hoạt động của con để chăm sóc, định hướng con phát triển toàn diện về thể lực và trí lực. Để giúp con tránh được các nguy cơ bị tai nạn, bị xâm hại từ internet, cha mẹ cần tìm hiểu và cài đặt các ứng dụng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các trang web độc hại, kiểm soát các trang web mà trẻ truy cập, cố gắng tìm hiểu những mối quan hệ trên mạng của con để biết bạn bè của con là những ai; Cần đặt ra những quy tắc và hướng dẫn sử dụng máy vi tính hợp lý cho trẻ, cùng con thống nhất các quy tắc để nhắc nhở, đồng thời theo dõi việc tuân thủ các quy tắc của con.
Cha mẹ cần tạo điều kiện và khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên internet, sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả… để tự trang bị kiến thức và kỹ năng cho bản thân, bảo vệ mình trước những nguy cơ tai nạn, thương tích và xâm hại tình dục, nhất là với trẻ em gái ở lứa tuổi vị thành niên. Phụ huynh cần đồng hành và hướng trẻ vào các hoạt động thể dục thể thao để trẻ có cơ hội vận động cơ thể. Cùng con đi tham quan những khu di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh, đi đến nhà sách hoặc tham gia các hoạt động thiện nguyện để trẻ cảm nhận được các giá trị sống từ các mối quan hệ trong xã hội.
Cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các cơ quan chức năng để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục.
Thứ tư, đối với nhà trường
Lợi thế của việc giáo dục trong nhà trường là tác động đến trẻ một cách có hệ thống, chương trình và nội dung nhất quán và có phương pháp sư phạm dựa trên cơ sở thấu hiểu đặc điểm tâm, sinh lý trẻ. Trong các buổi ngoại khóa hoặc trong các buổi học về kỹ năng sống, nhà trường thường lồng ghép các nội dung tuyên truyền về những mối nguy hại từ internet vào giảng dạy, cũng như tổ chức các trò chơi, bài test để học sinh hiểu rõ những nguy cơ ở lứa tuổi của mình trước sự cám dỗ trong thời công nghệ 4.0. Từ đó, nâng cao nhận thức cho các em, giúp trẻ điều chỉnh hành vi và nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như khả năng tự bảo vệ mình trước những mối nguy hại từ internet.
Thứ năm, đối với xã hội
Cần tạo ra môi trường xã hội lành mạnh để thanh, thiếu, nhi có cơ hội được phát triển toàn diện. Trong môi trường xã hội cần chú trọng sự định hướng của cấp ủy, quản lý của chính quyền các cấp và đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, tạo ra nhiều hoạt động bổ ích để thu hút thanh, thiếu, nhi tham gia vào các hoạt động bổ ích…