Mặc dù hiện nay, quan niệm về hôn nhân, con cái có khác nhau ở các nhóm đối tượng, vùng miền, ngành nghề, mức thu nhập… song nghiên cứu chỉ ra rằng: “người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi nhóm nhân khẩu xã hội coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống” (Trần Thị Minh Thi, 2021:469) và “các gia đình Việt Nam vẫn đề cao giá trị con cái, mong muốn có con nhưng không nhiều con” (Trần Thị Minh Thi, 2021:473). Như vậy, hôn nhân và gia đình vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam. Vun đắp một cuộc hôn nhân tiến bộ, lành mạnh, xây dựng gia đình hạnh phúc vẫn là giá trị phổ quát hiện nay.
Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%; dân số đang có vợ, chồng chiếm 69,2%; dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1%. Như vậy, dân số Việt Nam đang có vợ, chồng là tình trạng phổ biến hiện nay, mặc dù số liệu cũng cho thấy thực tế tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam có xu hướng tăng trong 10 năm trở lại đây (2009: 1%, 2019: 1,8%) (Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch Đầu tư, 2020), đa số do phụ nữ đứng đơn. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, song có một nguyên nhân được nhắc nhiều là mâu thuẫn gia đình dẫn đến bạo lực. Hệ lụy của các cuộc ly hôn là sự tổn thương của những người trong cuộc, nghiêng về phụ nữ nhiều hơn, định kiến của xã hội và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tình cảm, nhân cách và sự phát triển của trẻ em. Thực trạng này càng đòi hỏi phải quan tâm nhiều hơn đến giá trị hôn nhân và gia đình.
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với nhiều vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình đang nảy sinh, tình trạng giảm tỷ suất sinh và mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là vấn đề đáng báo động. Tỷ suất sinh của phụ nữ Việt Nam hiện nay thấp hơn mức trung bình của các nước Đông Nam Á; ở khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ, nông thôn là 2,26 con/phụ nữ; Thành phố Hồ Chí Minh có mức sinh thấp nhất: 1,39 con/ phụ nữ; phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh 1,85 con/ phụ nữ, trong khi tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ có trình độ sơ cấp 3,71 con; phụ nữ thuộc nhóm giàu nhất có mức sinh 2 con, nhóm nghèo nhất có mức sinh 2,4 con. Tỷ số cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là không ổn định trong thời gian qua. Có thể thấy tỷ số được khống chế tương đối ổn định từ năm 2014-2017 (khoảng 112 bé trai/100 bé gái), nhưng đến năm 2018, tỷ số này lại ở mức cao: 114,8 bé trai/100 bé gái, năm 2019 tỷ số này lại trở về 111,5 bé trai/100 bé gái (Gia Linh, 2020).
Việt Nam đang trong giai đoạn “cơ hội vàng” về dân số. Có những tỉnh, thành phố tỷ lệ sinh đẻ ít, tỷ lệ nhập cư nhiều như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, tỷ lệ nhóm dân số trong độ tuổi lao động chiếm từ 75-78%; ngược lại, có những tỉnh có mức sinh cao hoặc mức xuất cư lớn tỷ lệ này khoảng 60% (Văn Tân, 2018). Cùng với thời kỳ dân số vàng, nước ta cũng đồng thời bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với tốc độ nhanh. Ban chấp hành TW Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, nhấn mạnh “tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Một trong những giải pháp của Nghị quyết là tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc (Phạm Hương Trà, 2020).
Các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, như: câu lạc bộ “Cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “Người cha tốt của con”, “Khi mẹ vắng nhà”, “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Nhóm cha mẹ”, “Nhóm trẻ chơi dưới 3 tuổi”, “Cha là tấm gương sáng của con”, “Gia đình học tập nuôi con khỏe”, “Gia đình 4 chuẩn mực”… Nhiều mô hình có sự tham gia tích cực của nam giới và các thành viên trong gia đình. Mô hình câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc” được xem là mô hình phổ biến nhất ở các địa phương, cùng các tổ, nhóm vay vốn tiết kiệm được các cấp Hội lồng ghép chặt chẽ với tuyên truyền các vấn đề về giáo dục gia đình, thực hiện các tiêu chí thi đua, góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, tình trạng bạo lực gia đình…
Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010 – 2015 đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, giúp cho các ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi được trang bị kiến thức và kỹ năng nuôi, dạy con, từ đó áp dụng trong việc nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ học, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội, cộng đồng bình yên. Sau gần 5 năm triển khai, đã có 8.468.357/5 triệu bà mẹ, 2.969.123/2 triệu ông bố có con dưới 16 tuổi được tập huấn, trang bị kiến thức, thay đổi hành vi về phương pháp nuôi, dạy con khoa học, theo độ tuổi; 3.742.279/1,5 triệu trẻ vị thành niên được tiếp cận các kiến thức về sức khỏe, sinh sản và giáo dục kỹ năng sống (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, 2016).
Bên cạnh đó, Trung ương Hội đã biên soạn và phát hành nhiều tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều chương trình, đề án Chính phủ giao cho Hội chủ trì thực sự phát huy hiệu quả, như: Chương trình giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ thơ; Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội đã được Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020.