Gia đình truyền thống đặt lợi ích gia đình lên trên lợi ích cá nhân, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị chi phối bởi quan hệ gia trưởng, lấy người đàn ông trong gia đình làm trung tâm, vợ và con cái phải phục tùng. Mọi việc quan trọng trong gia đình là do người chồng quyết định; con cái phải tiếp nhận, thực hiện những yêu cầu nguyên tắc đạo đức, lối sống từ cha mẹ, đặc biệt dưới uy quyền của người cha. Quan hệ gia trưởng áp đặt trong gia đình, tạo nên trật tự thống nhất, giúp cho gia đình giữ gìn được nếp nhà từ đời này sang đời khác. Quan hệ gia trưởng trong gia đình còn góp phần giữ gìn những giá trị đạo đức tốt đẹp: tình yêu thương, bổn phận trách nhiệm, sự đoàn kết gắn bó giữa các thành viên hướng về lợi ích chung của gia đình. Theo đó con cái luôn hướng về cội nguồn, cha mẹ, ông bà, tổ tiên với lòng tôn kính, biết ơn. Hệ ý thức Nho giáo quy định đạo hiếu của con cái với cha mẹ bằng việc thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ khi về già. Nuôi được cha mẹ với lòng tôn kính, là bậc đại hiếu. Điều này xuất phát từ đặc điểm kinh tế của xã hội phong kiến là dựa vào nền nông nghiệp tự cung tự cấp. Cha mẹ cả đời vất vả làm lụng nuôi thân, nuôi con cái, khó có thể tự sống một mình khi về già do không có tài sản tích lũy. Ý thức đạo đức Nho giáo gắn chặt bổn phận, trách nhiệm của con cái, đặc biệt là con trai, vào gia đình để làm tròn đạo hiếu, giữ yên nhà, để trị nước.
Gia đình truyền thống đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích cá nhân, nên ý thức về thanh danh của gia đình, thực hiện ý nguyện của cha mẹ là trách nhiệm lớn của bậc làm con. Điều này tạo nên những động lực mạnh mẽ để con cái luôn phải nỗ lực, phấn đấu để thực hiện được mong muốn của cha mẹ, làm rạng danh gia đình, dòng họ. Ý thức giữ gìn danh dự của gia đình, dòng họ ăn sâu vào máu thịt của mỗi cá nhân, trở thành mục đích và lý tưởng sống của con cái, giúp cho con cháu giữ được phẩm hạnh, nhân cách của mình trước những cạm bẫy của cuộc đời. Trong gia đình hiện đại, quan hệ giữa cha mẹ và con cái được thiết lập trên một quan hệ bình đẳng hơn và có sự tôn trọng giữa các thành viên. Điều này dựa trên các nhân tố: sự độc lập về kinh tế giữa cha mẹ và con cái; sự tiếp nhận về văn hóa trong giao lưu và hội nhập; sự phát triển về tri thức và văn hóa của các thế hệ cha mẹ và con cái, đã dẫn đến sự cần thiết phải thay đổi ý thức gia trưởng áp đặt trong gia đình truyền thống. Sự tôn trọng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái góp phần thay đổi về nhận thức và hành động của thế hệ trẻ. Sự tôn trọng giữa cha mẹ và con cái đem lại niềm tin, sự thấu hiểu, đồng cảm giữa hai thế hệ. Dựa trên sự thấu hiểu, cởi mở, tin tưởng và tình yêu thương của cha mẹ, con cái tìm thấy ở cha mẹ điểm tựa tinh thần, vật chất, sự động viên, ủng hộ từ đó có động lực tích cực để học tập, sống có ích cho gia đình, xã hội. Làm được điều đó, cha mẹ trong gia đình hiện đại phải có tri thức văn hóa, tri thức nuôi dạy con cái. Đây là một đòi hỏi cao về trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái trong xã hội hiện đại. Như vậy, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, bên cạnh việc kế thừa những giá trị đạo đức tốt đẹp trong gia đình truyền thống (tình yêu thương, sự hiếu thuận, xây dựng tôn ti trật tự, tinh thần trách nhiệm) gia đình hiện đại còn tiếp nhận và bổ sung thêm những giá trị đạo đức mới: (sự tôn trọng, bình đẳng, tự chủ).