Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã xây dựng Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình và công tác gia đình được nâng lên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội của các cấp ủy cùng với những chính sách hỗ trợ có hiệu quả của nhà nước đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của các tầng lớp nhân dân,tỷ lệ đạt các danh hiệu văn hoá như: gia đình, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhận thức của toàn dân về công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, người già, giáo dục trẻ vị thành niên ngày một nâng cao và tiến bộ hơn. Những kết quả trên, đã khẳng định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững.
Công tác tuyên truyền, giáo dục được chú trọng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thực hiện mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình đã từng bước cải thiện được đời sống gia đình, nhiều gia đình quan tâm và thực hiện tốt luật PCBLGĐ. Hoạt động của các mô hình, địa chỉ tin cậy, đường dây nóng ngày càng được nhân rộng; công tác kiểm tra, giám sát được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức,từng bước tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề mâu thuẫn trong từng gia đình và cộng đồng, kéo giảm các vụ bạo lực gia đình.
Thông qua hiệu quả hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các tầng lớp nhân dân thấy được lợi ích thiết thực của việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là nhu cầu cần thiết của mỗi gia đình nên tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào từ đó góp phần thúc đẩy đời sống gia đình phát triển dần theo hướng lành mạnh, tiến bộ, góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong gia đình.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội trong 15 năm qua, mô hình và văn hoá trong gia đình truyền thống đang chịu sự tác động của quá trình công nghiệp hóa vì vậy mà có những biến đổi nhất định, những mối liên kết truyền thống đang bị phá vỡ và làm mai một những giá trị văn hoá tốt đẹp. Vẫn còn tình trạng ly hôn, ly thân gia tăng, làm phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình.
Cán bộ phụ trách công tác gia đình các cấp còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều việc; chế độ chính sách, phụ cấp còn rất hạn chế. Công tác tuyên truyền và giáo dục về đời sống gia đình chưa sâu rộng; một số vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng bạo lực gia đình; thanh thiếu niên phạm tội có xu hướng gia tăng. Hiện tượng tảo hôn ở một số làng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại.
Kinh phí dành cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp còn ít, vì vậy các hoạt động bề nổi về truyền thông như: mít tinh, tọa đàm, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, in ấn tờ rơi, các cuộc thi tìm hiểu về luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới và các hoạt động khác chưa được tổ chức thường xuyên.
Công tác thống kê, báo cáo số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình chưa đảm bảo theo quy định.