Sau 10 năm đi vào cuộc sống, đến nay, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Ngay khi Luật Phòng-chống BLGĐ có hiệu lực, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 49/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Luật Phòng-chống BLGĐ. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND về kế hoạch hành động phòng-chống BLGĐ, giai đoạn 2009-2015; Quyết định số 727/QĐ-UBND, ngày 4-10-2016 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 917/KH-UBND ngày 13-3-2017 của UBND tỉnh về triển khai quy chế phối hợp liên ngành về phòng-chống BLGĐ đến năm 2020. Bên cạnh đó, bố trí cán bộ cấp tỉnh có 1 lãnh đạo, 2 cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình; 17 cán bộ cấp huyện, 222 cán bộ cấp xã kiêm nhiệm công tác gia đình; phòng-chống BLGĐ.
Hàng năm, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức ký kết liên tịch các chương trình phối hợp tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng-chống BLGĐ; cụ thể hóa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. “Chúng tôi đẩy mạnh thành lập các mô hình, câu lạc bộ phòng-chống BLGĐ. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 163 mô hình phòng-chống BLGĐ, 1.500 câu lạc bộ phòng-chống BLGĐ hoặc các câu lạc bộ có lồng ghép nội dung sinh hoạt cùng nội dung, 1.500 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 1.200 nhóm phòng-chống BLGĐ, 250 cơ sở tư vấn phòng-chống BLGĐ”-ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết.
Một trong những địa chỉ hoạt động hiệu quả về can thiệp, phòng-chống BLGĐ phải kể đến Phòng Dịch vụ Công tác Xã hội (Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh). Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức bố trí nơi tạm lánh, điều trị, sơ cấp cứu và tư vấn cho nhiều nạn nhân bị BLGĐ. Ông Đinh Văn Bí-Phó Trưởng phòng Dịch vụ Công tác Xã hội, cho biết: Phòng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người yếu thế khi có nhu cầu cần tư vấn, cung cấp thông tin chuyên môn nhằm giải quyết sự căng thẳng về các mối quan hệ gia đình, xã hội; trợ giúp đối tượng xã hội những vấn đề khó khăn trong cuộc sống như: học tập, học nghề, tìm việc làm hay nghèo đói, thất nghiệp, rối nhiễu tâm lý… Ngoài ra, Phòng còn là địa chỉ tạm lánh, giúp đỡ đáng tin cậy của người bị BLGĐ. Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã tư vấn, giúp đỡ 7 trường hợp bị BLGĐ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng-chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định, dẫn đến hiệu quả triển khai thực hiện luật chưa cao. Sự quan tâm của cộng đồng tới vấn đề phòng-chống BLGĐ chưa đầy đủ, còn có tư tưởng coi BLGĐ là vấn đề riêng trong mỗi gia đình nên còn thiếu trách nhiệm giải quyết. Nhận thức và sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác gia đình và phòng-chống BLGĐ ở một số địa phương, một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể ở cơ sở trong việc triển khai và tổ chức thực hiện luật cũng chưa sâu sát…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian tới, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng-chống BLGĐ; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ vi phạm.
Đinh Yến
nguồn: baogialai.com.vn