Hiện nay, tình trạng tảo hôn, ly hôn ở nông thôn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội. Thực trạng này cho thấy sự xuống cấp, suy thoái văn hóa, đạo đức, lối sống trong nhiều gia đình. Vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống là hết sức cần thiết.
Gia đình là nơi đầu tiên hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của con người. Vì thế, ngày 29-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng có Chỉ thị số 13-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gia đình đến năm 2020. “Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đẩy mạnh truyền thông về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; lồng ghép nội dung này vào các cuộc vận động, phong trào, tập trung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình cho hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, ngành tập trung cao điểm tuyên truyền hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11) hàng năm”-ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nói.
Trên thực tế, từ năm 2008 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thành lập được 163 mô hình, 125 cơ sở tư vấn, 215 nhóm phòng-chống bạo lực gia đình và 642 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Đây là những địa chỉ hỗ trợ tích cực cho chị em, trẻ em lánh nạn và tố giác những hành vi xâm hại, bạo lực. Hoạt động của các mô hình, cơ sở, địa chỉ tin cậy nói trên đang ngày càng được khuyến khích, nhân rộng. Bà Phạm Thị Chinh-Chủ nhiệm mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở tổ dân phố 2 (thị trấn Phú Thiện) cho biết: Mô hình được thành lập từ tháng 6-2015 với mục đích tư vấn, giải quyết mâu thuẫn và bạo lực gia đình, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực, đến nay đã thu hút 42 chị em tham gia. Hàng tháng, chúng tôi tập trung tuyên truyền về Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới. Qua đó, chị em đã tự tin chia sẻ những điều không dễ mở lòng cũng như kinh nghiệm giáo dục con cái. Đã có 7 chị thoát cảnh bạo lực gia đình, nhiều gia đình tưởng chừng tan vỡ nhưng nhờ được quan tâm, tư vấn nên đã hàn gắn, hòa thuận. 6 gia đình có con cái biểu hiện đua đòi ăn chơi, nhưng được sự trợ giúp của mọi người nên các cháu đã biết nghe lời, chăm chỉ lao động, học tập.
Các huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh cũng chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác gia đình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề; đảm bảo chính sách, chế độ ưu đãi đối với gia đình liệt sĩ; chính sách bảo trợ xã hội. Sở Tư pháp triển khai thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý và phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, giúp người dân nâng cao nhận thức. Ban Dân tộc tỉnh tăng cường phổ biến, giáo dục, tạo sự chuyển biến rõ nét trong ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Bà Đặng Thị Bình-Phó Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Hàng năm, Sở phối hợp với ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Quản lý dự án Phát triển Trẻ thơ toàn diện tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân Tháng Hành động vì trẻ em (tháng 6), Tháng Hành động quốc gia về phòng-chống bạo lực gia đình (từ ngày 15-11 đến 15-12), Ngày Quốc tế Hạnh phúc… bằng nhiều hình thức phong phú, thu hút hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.
Qua triển khai tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình và xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân coi trọng, xem đây là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như của từng gia đình. Toàn tỉnh có 256.000 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (chiếm hơn 75% số gia đình hiện có), trên 1.600 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa (trên 74% số thôn, làng, tổ dân phố của tỉnh). Những kết quả này không chỉ tác động đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân mà còn thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, ổn định cuộc sống; ngăn ngừa, phòng-chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, góp phần hạn chế đáng kể các vụ bạo lực gia đình.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Hồng Phong nhấn mạnh: “Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” với những tiêu chí và giải pháp cụ thể. Đặc biệt, giáo dục trong môi trường gia đình mang đặc thù riêng. Phải làm sao để tình yêu thương, gắn kết ruột thịt phát huy ý nghĩa, tạo nên sự bền vững, lâu dài. Sở cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình lồng ghép cùng phong trào xây dựng gia đình văn hóa để có thêm chiều sâu và sức lan tỏa”.
Đinh Yến/nguồn: skhdt.gialai.gov.vn