Xuất phát từ vị trí, vai trò của gia đình là tế bào xã hội, là tổ ấm nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất, trí tuệ nguồn nhân lực quốc gia, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, nhất là các chính sách bảo đảm an sinh như bảo hiểm y tế, tạo việc làm, tăng thu nhập…
Cùng với sự phát triển của xã hội, gia đình có nhiều thay đổi về quy mô, tính chất và cách vận hành; gia đình cũng chịu tác động và ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều thách thức lớn đã và đang đặt ra đối với gia đình cần được tiếp tục quan tâm bằng chính sách hợp lý.
Một là, sự đa dạng của các nhóm gia đình theo pháp luật và thực tế (không đăng ký kết hôn; mẹ đơn thân; có yếu tố nước ngoài…) đặt ra vấn đề bảo vệ, hỗ trợ trẻ em và người có quan hệ huyết thống với trẻ em liên quan đến các khía cạnh xã hội có thể nảy sinh ngay từ trong gia đình.
Hai là, thực tế trẻ em và người chưa thành niên bị xao nhãng ngay trong gia đình; không có cơ hội được sống chung với cha mẹ; sống trong gia đình có người thân vi phạm pháp luật…đặt ra vấn đề cần bảo đảm quyền của trẻ em và người chưa thành niên từ trong gia đình.
Hiện nay, chưa có con số thống kê chính thức về tình trạng này, nhưng thực tế do bố mẹ đi làm ăn xa (xuất khẩu lao động, làm công nhân, làm nghề tự do tại các thành phố lớn), làm thêm giờ…không có điều kiện chăm sóc con đã để hoặc gửi con sống cùng ông bà hoặc người giúp việc gia đình. Do có sự cách biệt về tâm lý, quan điểm sống…giữa các thế hệ và nhiều yếu tố khác tác động và ảnh hưởng xấu đã khiến một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên không có cơ hội được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ một cách tốt nhất. Đây là một trong những nguyên nhân gia tăng số trẻ em tham gia tệ nạn xã hội, nghiện game và phát triển không lành mạnh hoặc phát triển không bình thường, không toàn diện. Theo chia sẻ 2015, tại trường giáo dưỡng số 2 Bộ Công an có tới 60 – 70% trẻ em vi phạm pháp luật do gia đình không giáo dục nghiêm khắc; tại trại giam Thanh Xuân, Bộ Công an: có 57% phạm nhân là thanh thiếu niên hay bị bố mẹ mắng chửi; có người thân nghiện hút, cờ bạc…
Ba là, bạo lực gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến sự bền vững của gia đình và làm suy yếu khả năng tăng cường rào chắn các vấn đề xã hội không lành mạnh nảy sinh từ trong gia đình
Theo Chương trình Nghiên cứu Gia đình, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam năm 2017, có 31,8% phụ nữ bị chồng bạo lực tinh thần và 3,6% bạo lực thể chất trong 12 tháng trước thời điểm khảo sát. Nguyên nhân chính là cách ứng xử cá nhân và ứng xử giữa vợ và chồng không hài hòa. 69,5% trẻ em đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng đánh, đấm, đạp, tát…; 31,6% cha mẹ thừa nhận trong 12 tháng trước khảo sát họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực về thể chất. Bạo lực với người cao tuổi trong khoảng 10 năm qua khoảng gần 8% dưới hình thức hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục…
Trong 10 năm từ 01/7/2008 – 31/7/2018 có 76,6% các vụ án ly hôn được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý và giải quyết cho ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Từ đầu tháng 7 đến – 9/2019 tại 6 tỉnh/thành phố đã xảy ra 7 vụ án bạo lực gia đình nghiêm trọng, làm 14 người chết và 03 người bị thương nặng, điển hình là vụ án xảy ra ngày 01/9/2019 tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội anh trai đã truy sát gia đình em trai làm 4 người chết, một người bị thương nặng…
Bốn là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tác động và ảnh hưởng khá lớn đến gia đình, nhất là những ảnh hưởng trái chiều (tăng khoảng cách người ở gần nhau trong gia đình; thành viên ít thời gian cho gia đình; vận dụng sai thông tin dẫn đến hậu quả xấu do không có khả năng sàng lọc dẫn đến giao tiếp, ứng xử khó khăn và không gian nuôi dưỡng tâm hồn trực tiếp bị thu hẹp, cha mẹ khó kiểm soát con…) có khả năng thay đổi mối quan hệ tương tác giữa các thành viên gia đình theo hướng không có lợi cho sự phát triển bền vững của gia đình và toàn diện của thành viên gia đình
Ngoài ra, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình; việc xem nhẹ các giá trị văn hóa gia đình truyền thống; hôn nhân cận huyết thống; xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; buôn bán người; ma túy, mại dâm…cũng tác động không tốt đến gia đình nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý
Lê Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm
Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội