Gia đình trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống lành mạnh, yêu thương, không có bạo lực, xâm hại, xao lãng, nơi cá nhân tìm về khi gặp khó khăn, giúp cá nhân không xa lánh xã hội và rơi vào các thách thức khó khăn kế tiếp, cân bằng tâm lý-tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống. Gia đình đồng thời phải có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức và rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, cũng như các tình huống bất ngờ. Xu hướng người dân tự an sinh cho gia đình và bản thân khá phổ biến. Vì thế, gia đình đang là nguồn lực an sinh xã hội quan trọng, chia sẻ gánh nặng ASXH với nhà nước. Đồng thời, những hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách an sinh trực tiếp cho các thành viên gia đình như trợ cấp xã hội, lương, việc làm, xóa đói giảm nghèo hay các chính sách an sinh xã hội gián tiếp như dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế cần tiếp tục hoàn thiện, có tính bao phủ cao hơn.
Tính đến hết ngày 30/11/2020, số người tham gia BHXH khoảng 15,886 triệu người, đạt tỷ lệ 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT là 86.888 nghìn người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,1% dân số. Hiện nay, có khoảng 3,1 triệu người được nhận lương hưu và bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam 2018), chiếm khoảng 27,4% tổng dân số cao tuổi. Khoảng 2,8 triệu NCT, chiếm 24,7% tổng dân số cao tuổi, nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Do đó, cả trợ cấp xã hội và lương hưu có thể chi trả cho khoảng một nửa số NCT dưới dạng một số hình thức hỗ trợ hàng tháng. Khoảng 50% NCT còn lại phải sống dựa vào gia đình và tự hỗ trợ bản thân.