Gia đình
Các nhà xã hội học cho rằng, theo nghĩa rộng, “Gia đình là một thiết chế xã hội, nghĩa là một đơn vị cơ sở được mọi người công nhận để thực hiện những chức năng xã hội nhất định mà trước hết là sự tái sinh các đặc trưng của loài người”; theo nghĩa hẹp, gia đình là “một nhóm gồm một cặp vợ chồng chung sống với lớp kế cận trực tiếp của họ” (G.Endruweit và G.Trommsdorff 2002). Khái niệm gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”.
Gia đình hạnh phúc
Gia đình hạnh phúc vừa là mong muốn, khát vọng vươn đến của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Gia đình hạnh phúc còn là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ví dụ, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nêu rõ mục tiêu của Chiến lược này là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có định nghĩa chính thức về gia đình hạnh phúc. Có thể nói đo lường mức độ hạnh phúc của gia đình là câu hỏi khó và chưa có được sự đồng thuận chung. Gia đình hạnh phúc có thể là tổng hòa hạnh phúc của các cá nhân theo hướng “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, nhưng có tài liệu cho rằng, gia đình hạnh phúc không chỉ bao hàm giá trị hiện tại mà còn có cả quá khứ và tương lai. Gia đình hạnh phúc có thể có những tương đồng với văn hóa gia đình, theo văn hóa, những yếu tố tinh thần và sự tương thân tương ái, đùm bọc nhau trong gia đình được cọi trọng và xem như là tiêu chí để tạo lên gia đình hạnh phúc. Có người đề cao giá trị của tiền bạc thì cho rằng gia đình hạnh phúc là phải có kinh tế vững “có tiền mua tiên cũng được”,.. Như vậy, dựa trên các tài liệu tham khảo và căn cứ theo tiếp cận cấu trúc – chức năng, nghiên cứu này xác định gia đình hạnh phúc là sự hài lòng của các thành viên gia đình về tổng hòa các yếu tố khách quan, chủ quan về đời sống vật chất, sức khỏe, đời sống tinh thần, mối quan hệ trong gia đình và mối quan hệ của gia đình với dòng họ, cộng đồng.