Gia đình là tế bào của xã hội, là yếu tố trong sự cấu thành tổng thể xã hội. Là một thiết chế xã hội nên gia đình là một thành tố nằm trong cấu trúc hệ thống, chịu sự ràng buộc, ảnh hưởng trong/từ/với những mối quan hệ với các giá trị, các chuẩn mực, những quan hệ pháp lý được xã hội và truyền thống quy định. Mặt khác, dù ít hay nhiều yếu tố gia đình cũng có tác động lên cấu trúc, bộ mặt xã hội đang mang nó trong lòng. Tổng hòa quan hệ, tương tác giữa các gia đình, các cá nhân và nhiều thành tố khác tạo nên diện mạo xã hội và phô bày tính chất của nó, dưới sự điều tiết của kiến trúc thượng tầng và sự quyết định của cơ sở hạ tầng. Trật tự xã hội được quyết định bởi/trước hết từ trật tự gia đình như khung giá trị cơ sở.
Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu, định nghĩa về gia đình, tùy vào mỗi góc nhìn, cách tiếp cận mà những định nghĩa, khái niệm có sự khác nhau. Trong Việt Nam tự điển do Lê Văn Đức (chủ biên) định nghĩa: “Gia đình: một nhà gồm tất cả ông bà, cha mẹ, con cháu cùng huyết thống” ; Theo Trần Quốc Vượng: “Theo nghĩa rộng nhất, gia đình là cội nguồn và chốn nương náu của mỗi người, một thiết chế có luật lệ và tôn ti trật tự. Từ bao đời nay, chính gia đình đã tạo nên mối liên hệ xã hội bền vững nhất, nơi duy trì và lưu truyền những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc, truyền thống gia đình, truyền thống dòng họ và sự di truyền văn hóa” .
Theo Toan Ánh, “Gia đình là nền tảng của xã hội, có gia đình mới có xã hội, nhất là gia đình Việt Nam lại càng là một nền tảng vững chắc của xã hội Việt Nam” .
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này” (Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình, 2014). Về nguyên tắc Luật quy định: “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con…” (Điều 2, Luật Hôn nhân và gia đình, 2014).
Như vậy có thể nói, “Gia đình là một tiểu cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ giáo dục.”
Về chức năng: “Gia đình là cội nguồn và chốn nương náu của mỗi người, một thiết chế có luật lệ và tôn ti trật tự”; “Gia đình là nền tảng của xã hội”; “Gia đình là một tế bào của xã hội”.
Gia đình hạnh phúc là một khái niệm mở, chưa thực sự thống nhất vì mỗi người có quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết chúng tôi cho rằng: “Gia đình hạnh phúc là gia đình có sự gắn kết chặt chẽ, quan tâm, chia sẻ, dành thời gian cho nhau, lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình”.
Trong cái nhìn tổng thể mang tính xã hội cấu trúc, gia đình hạnh phúc là một gia đình trong đó các mối quan hệ giữa thành viên các thế hệ được dung hòa, tôn trọng và quan tâm, chia sẻ tích cực với nhau; mỗi thành viên đều thể hiện đúng đắn và phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm của mình, quan tâm đến các thành viên khác, trật tự truyền thống được giữ vững và bảo đảm tốt cho sự phát triển của gia đình, đóng góp hữu ích cho xã hội.