Trong truyền thống, gia đình Việt Nam rất chú trọng xây dựng nếp nhà với gia đạo, gia phong và gia lễ.Gia đạo là đạo đức của gia đình lấy chữ “hiếu” làm đầu.Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết. Gia lễ, gia đạo được hình thành qua nhiều năm, nhiều đời thì tạo nên Gia phong. Nói cách khác, gia phong hình thành từ mối quan hệ giữa con người với con người, từ lòng nhân ái, tình yêu thương, thuần phong mỹ tục của dân tộc được thấm đậm trong tâm hồn mỗi con người của gia đình, dòng họ; bởi vậy, nó mang tính nhân văn cao cả, đòi hỏi mọi người tu dưỡng theo khuôn phép kỷ cương của một gia đình, một dòng họ.
Như đã đề cập ở phần trên, giáo dục xã hội hóa con người là một chức năng cơ bản của gia đình,do vậy, cần lưu tâm đặc điểm của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Có thể nói, mấy chục năm trở lại đây, quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đã khiến gia đình Việt Nam đang trong bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại trên nhiều phương diện và xu hướng khác nhau. Đó là sự biến đổi mang tính toàn diện cả về hình thái, các chức năng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với những xáo trộn trong chức năng dưỡng dục con cái và xã hội hóa. Hiện tượng gia đình hạt nhân chiếm ưu thế đã ngăn trở cơ hội truyền thụ những hiểu biết về việc nuôi dạy con cái từ thế hệ ông bà cho thế hệ cha mẹ.Thế hệ trẻ mới lập gia đình cho dù có nhận được sự giúp đỡ của bố mẹ nhưng họ vẫn bộc lộ những bất đồng thế hệ xung quanh việc nuôi dạy con cái, vì giới trẻ ngày nay trông cậy vào tri thức khoa học và chuyên môn hơn là dựa vào sự hiểu biết của thế hệ cha mẹ.
Dưới tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhịp sống của mỗi gia đình ngày càng trở nên vội vàng hơn, thời gian dành cho nhau đặc biệt là thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng trở nên eo hẹp. Theo kết quả Điều tra gia đình Việt Nam năm 2006, khoảng 25% số ông bố và 7% số bà mẹ hoàn toàn không dành thời gian cho việc chăm sóc dạy dỗ con cái vì bận mải làm ăn. Theo một nghiên cứu gần đây, tình trạng di cư trong nước “đã đến 6,5 triệu người , chiếm 7,57% dân số” ( Kinh tế và Phát triển số 193, tháng 7/2013). Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội, Chủ nhiệm bộ môn Giới và Gia đình, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH QG Hà Nội: “gần chục triệu gia đình thiếu vắng cha mẹ”. Ở những gia đình này ông bà làm vai trò kép, họ vừa là ông bà lại vừa trở thành bố mẹ của đứa trẻ. Sự chia sẻ quan tâm của các thành viên trong gia đình, sợi dây ràng buộc níu kéo tình cảm gia đình giữa cha mẹ với con cái cũng vì thế trở nên lỏng lẻo, bất an. Vai trò của bố mẹ trở lên mờ nhạt, không theo kịp sự phát triển của đứa trẻ trên cả chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm và chức năng giáo dục xã hội hóa của thiết chế gia đình Hoàng Bá Thịnh). Như chúng ta đã biết, gia đình Việt Nam xưa dưới một mái nhà là nơi quần tụ các thế hệ chung sống với nhau bao gồmông bà, cha mẹ, con cháu. Các thành viên gia đình bổ sung cho nhau những thiếu hụt của mỗi lớp tuổi đời(con cháu cần sự chăm sóc dưỡng dục của bố mẹ, ông bà – nơi nương tựa về tình cảm, nguồn cung cấp kinh nghiệm sống; ông bà có nhu cầu được chăm nom và yêu thương con cháu, vui với con với cháu và trông cậy con cháu lúc tuổi già).Mô hình truyền thống của gia đình Việt Nam xưa trải qua nhiều thế hệ người Việt dù ở nông thôn hay thành thị nay đã có nguy cơ tan vỡ và đang trên đà tan vỡ. Cũng theo số liệu Điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 thì hộ gia đình hạt nhân (gồm cha mẹ và con cái) chiếm 63,4%.Điều bất ngờ là ở nông thôn vốn được coi gắn liền với văn hóa nông nghiệp gắn liền với văn hóa làng thì tỷ lệ này là 64,5% cao hơn thành thị 60,6% (Kỷ yếu Hội thảo “Xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội đương đại”). Phải chăng đây là hệ lụy từ công nghiệp hóa, đô thị hóa? Trong gia đình hạt nhân nói chung, đặc biệt các gia đình ít có mối liên hệ với gia đình gốc (tạm dùng khái niệm này để chỉ gia đình mà người vợ, người chồng của gia đình hạt nhân đã được nuôi dưỡng và trưởng thành), trẻ em sẽ thiếu hụt văn hóa ứng xử cũng như kỹ năng sống như những đứa trẻ trong gia đình truyền thống. Đây là một thách thức không nhỏ trong việc giáo dục nhân cách của gia đình.