Trong gia đình, giáo dục con cái là một chức năng quan trọng. Hiện nay, nhiều gia đình cha mẹ có điều kiện thuận lợi về kinh tế thì lại quá bận rộn do phải đi làm việc, kinh doanh, mua bán, còn những gia đình ở nông thôn do phải làm lụng suốt ngày ngoài đồng ruộng để mưu sinh, nên không có điều kiện chú ý đến việc học hành, rèn luyện của con. Và cũng có nhiều gia đình do thiếu hiểu biết về phương pháp giáo dục nên bỏ mặc để chúng tự thân vận động, hoặc có nhiều hành động thái quá như mắng chửi, đánh đập con cái mà không có biện pháp giáo dục tế nhị, giúp cho con cái biết được những sai trái để tránh. Vả lại, hiện nay có hình thức học bán trú nên nhiều gia đình lại khoán trắng cho thầy cô nhà trường.
Trước sự tác động của quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa, xã hội và gia đình cũng có những biến đổi về chức năng. Gia đình luôn được xem là hạt nhân của xã hội, nên có giá trị rất lớn trong việc tạo động lực phát triển xã hội. khi nền kinh tế thị trường chiếm lĩnh đời sống xã hội mà thiếu sự phối hợp giáo dục chặt chẽ của các tổ chức xã hội giữa nhà trường và gia đình thì sẽ dẫn tới nhiều điều khó lường đối với lớp trẻ. Nhiều người quan niệm rằng tài sản, của cải, nhà cửa, ruộng đất đã vượt lên trên tất cả những gì thiêng liêng như tình ruột thịt trong gia đình thì lúc đó họ không từ mọi thủ đoạn và hành vi xấu nào. Đã có không ít đứa con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà để rồi họ phải vào trại dưỡng lão, đến khi cha mẹ chết mới đến xin giấy khai tử về để bán nhà, chia gia tài … quên cả nhân nghĩa ruột rà, huyết thống. Thật đáng buồn thay!
Những năm gần đây, theo số liệu thống kê các vụ ly hôn đột ngột tăng lên do nhiều nguyên nhân; kinh tế tự do cá nhân, nghề nghiệp … từ đó đã tung ra xã hội một số trẻ lang thang hoặc có một số trẻ không được dạy dỗ, chăm sóc của người thân. Chúng đã lang thang kiếm sống và cũng rất dễ rơi vào những tệ nạn xã hội. Nếu hiện tượng đổ vở hạnh phúc gia đình ngày càng tăng thì tình trạng phạm tội của thanh thiếu niên ngày càng nhiều. Một thực tế ai cũng dễ nhận thấy là những gia đình đông con thường gặp khó khăn về kinh tế. Cha mẹ phải vất vả lao động, không có thời gian chăm lo con học hành và dạy bảo, để chúng tự phát triển trong một xã hội luôn đan xen giữa cái tốt và cái xấu thì sẽ dễ chao đảo, hư hỏng. Từ những thực tế đó, cần có quy ước về giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội để nâng cao hiệu quả giáo dục thế hệ trẻ.
Kinh tế thị trường có thể làm cho con người thay đổi nếp sống, nếp làm việc, nhưng không thể để cho mặt trái của nó làm thoái hóa con người, mà bằng mọi cách tạo cho con người những khả năng vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.
Việc xây dựng gia đình văn hóa phải trở thành phong trào thiết thực; có nội dung quan trọng, không phải chỉ duy trì mà cần tiếp tục phát triển. Chỉ có một gia đình hòa thuận, thương yêu, hạnh phúc thì mới có điều kiện để giáo dục con cái trở thành những con người hiếu thảo, tạo điều kiện cho con cái phát huy hết khả năng của bản thân để phấn đấu học hành tốt, rèn luyện đạo đức, để cùng mọi người chung vai xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
nguồn “Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng”