Sự tham gia xã hội: Sự gắn kết các gia đình trung lưu với quá trình phát triển xã hội được thể hiện trước hết qua sự tham gia và tính tích cực xã hội, hay trách nhiệm xã hội của họ trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Các gia đình trung lưu đều rất quan tâm tới các vấn đề thời sự và đã tận dụng được những phương tiện truyền thông hiện đại như báo mạng/báo điện tử và mạng xã hội để tiếp cận thông tin thời sự. Tuy nhiên các hoạt động mang tính phản biện xã hội như: Góp ý bằng văn bản hay bày tỏ ý kiến tại các cuộc họp chính thức; tham gia hoạt động phòng, chống tham nhũng – chỉ có tỉ lệ rất thấp (từ 5 đến 7%) các gia đình trung lưu tham gia. Điều này dường như chưa đáp ứng kỳ vọng về tích cực xã hội cao hơn của các gia đình trung lưu và cần nâng cao phẩm chất tích cực này của họ trong quá trình phát triển xã hội.
Thái độ và phản ứng của gia đình trung lưu trước các vấn đề xã hội bức xúc: Đa số gia đình trung lưu phản ứng hành động trước các vấn đề xã hội bức xúc chỉ ở mức độ vừa phải, hợp lý, có phần “an toàn” như: Trao đổi, phàn nàn với bạn bè, người thân (về các vấn đề xã hội bức xúc). Những phản ứng tích cực hơn như “Viết thư bày tỏ ý kiến kiến nghị gửi các cơ quan chức năng”, hay “Viết bài gửi các phương tiện truyền thông đại chúng” – thường rất ít, chỉ không quá 3% ý kiến. Đáng chú ý là có khoảng một phần ba các gia đình trung lưu có phản ứng bi quan, thụ động, thậm chí hoài nghi như: “Không làm gì vì không quan tâm” và “Không làm gì vì không tin là giải quyết được”
Như vậy, tính tích cực xã hội của các gia đình trung lưu còn có những hạn chế nhất định trong khi nó vẫn được kỳ vọng là thuộc tính quan trọng, “nòng cốt” của các gia đình trung lưu trong quá trình phát triển xã hội. Vì vậy, cần có những chính sách tạo điều kiện để các gia đình trung lưu nâng cao tự ý thức với phẩm chất và vai trò của họ trong giai đoạn hiện nay.