Các gia đình trung lưu tham gia khá tích cực vào các hoạt động văn hóa thường ngày. Qua đó họ vừa thụ hưởng, vừa tham gia phát triển đời sống văn hóa chung, với quy mô lớn và tính đa dạng.
Trong số những hoạt động được các gia đình trung lưu ưu tiên triển khai hiện nay, tỉ lệ ưu tiên cao nhất là: Củng cố sức khỏe cho các thành viên gia đình; củng cố điều kiện sống, nhà ở, tiện nghi; đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình; nâng cao học vấn, chuyên môn cho con cái. Đây là những yếu tố đầu vào quan trọng, là vốn con người và nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên đây chủ yếu là những hoạt động thuộc phạm vi bên trong gia đình của các thành viên hoặc toàn thể gia đình.
Trong khi đó có mức độ ưu tiên rất thấp (chỉ từ 5 đến 7%) là những hoạt động mang nội dung văn hóa gắn với các quan hệ giữa gia đình với cộng đồng xã hội bên ngoài như: Nâng cao đời sống tinh thần, học vấn hay xây dựng hình ảnh gia đình, vai trò gia đình trong dòng họ và cộng đồng. Sự mất cân đối này là một hạn chế của các gia đình trung lưu trong xu hướng phát triển cân bằng và hài hòa giữa các yếu tố vật chất – tinh thần, bên trong – bên ngoài gia đình, truyền thống – hiện đại trong phát triển. Trong khi đó các gia đình trung lưu được kỳ vọng không chỉ là những gia đình khá giả về kinh tế, mà còn là những “hạt giống tinh thần” khỏe mạnh trong đời sống văn hóa xã hội và thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa quốc gia.
Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam đang chuyển đổi hiện nay, các gia đình trung lưu là những chủ thể đồng thời “mang” cả hai loại giá trị truyền thống và hiện đại. Sự thiếu nhất quán giữa các vị thế kinh tế – xã hội – văn hóa của gia đình trung lưu ở Việt Nam đang khiến nó chưa thực sự giữ vai trò như một chủ thể “bảo đảm sự ổn định” của xã hội trước những mâu thuẫn và xung đột và cũng chưa đạt tới một “văn hóa giai tầng” điển hình của tầng lớp trung lưu/ gia đình trung lưu mà xã hội kỳ vọng.
Trong một ý nghĩa nhất định, các gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay có thể “lớn” nhưng chưa “mạnh” về vật chất, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa – xã hội và do đó cả trong tương tác với các quá trình phát triển. Lý do chính nằm ở bối cảnh xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi và các gia đình trung lưu cũng đang trong quá trình khẳng định vai trò, vị thế của mình trong bối cảnh đó. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ tạo ra những tác động nhiều chiều để tầng lớp trung lưu và các gia đình trung lưu đạt tới mục tiêu này và trở thành đại diện cho xã hội Việt Nam hiện đại, phát triển. Cùng với đó, quá trình “trung lưu hóa” các gia đình và “trung lưu hóa” cả xã hội sẽ tác động tích cực trở lại tới các quá trình phát triển đất nước trong những thập niên tới.