Là một trong những tế bào cơ bản của xã hội, gia đình có nhiều chức năng khác nhau, trong đó có chức năng vô cùng quan trọng là nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, xã hội hóa con cái, và việc thực hiện chức năng quan trọng này chính là cha mẹ. Gia đình là nơi cung cấp các nhu cầu cơ bản của sự sống còn như: Cung cấp nơi ăn chốn ở, thực phẩm dinh dưỡng, quần áo, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế về thể chất và tinh thần. Gia đình cũng bảo vệ trẻ em về mặt thể chất, tinh thần khỏi các tác động xấu từ môi trường bên ngoài thông qua việc giám sát các hành vi của trẻ nhằm tránh cho trẻ khỏi các hành vi rủi ro cao như sử dụng thuốc lá, bia rượu, quan hệ tình dục không an toàn… đồng thời cung cấp, trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước các hành vi nguy cơ.
Để thực hiện chức năng này, cha mẹ và những người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc luôn từng bước truyền đạt các kiến thức, sự hiểu biết về những nguy cơ có thể gây hại cho trẻ, cũng như hướng dẫn cho trẻ về cơ thể, về các rủi ro liên quan, và các kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình.
Gia đình còn hướng dẫn, hỗ trợ trẻ phát triển về mặt nhận thức, kiến thức xã hội, thể chất, tình cảm, đạo đức, tình dục, văn hóa; đồng thời các bậc cha mẹ còn là những người hỗ trợ và liên kết trẻ với các chuyên gia, cá nhân, nhóm tổ chức có chức năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em như trường học, bệnh viện…
Có thể nói, chức năng xã hội hóa được xem là một chức năng cơ bản của gia đình, qua đó cung cấp cho trẻ các kiến thức và kỹ năng để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro và các hành vi nguy cơ. Trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ xâm hại nếu như không được cha mẹ hướng dẫn đầy đủ về các nguy cơ và các kỹ năng tự bảo vệ mình.
Ở Việt Nam hiện nay, việc thực hiện các trách nhiệm cơ bản của gia đình để đảm bảo cho quyền trẻ em được tôn trọng đã được các gia đình ý thức quan tâm như: Tích cực tìm hiểu thông tin, dành thời gian trao đổi với con cái ở độ tuổi trẻ em về các hành vi nguy cơ, hướng dẫn trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân khỏi các hành vị nguy cơ và các rủi ro liên quan đến xâm hại trẻ em,v.v.. Tuy vẫn còn những hạn chế và thiếu hụt nhất định trong vấn đề cung cấp các kiến thức về xâm hại trẻ em cũng như trang bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình bởi chính các bậc cha mẹ cũng còn thiếu kiến thức và kỹ năng về vấn đề này, song đây vẫn là chủ thể quan trọng nhất chịu trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em khỏi mọi hình thức bị lạm dụng, xâm hại, cũng như cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho trẻ để phòng ngừa những rủi ro trong môi trường sống và tự bảo vệ bản thân trước các hành vi nguy cơ.