Không thể phủ nhận những giá trị mà cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu làm thay đổi diện mạo cuộc sống xã hội, mang đến những trải nghiệm mới cho người dân từ trẻ đến già, từ thành thị đến nông thôn. Sự phát triển của truyền thông và công nghệ đã trở thành phương tiện đáp ứng nhu cầu tinh thần của các thành viên trong gia đình mọi lúc, mọi nơi. Trong cách mạng công nghiệp 4.0, Internet và các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Smartphone, Laptop, Ipad,… là những vật dụng “bất ly thân” gần như trong mọi lúc của cuộc sống.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi tràn vào các nước phát triển và các nước đang phát triển, thì gia đình là một thiết chế có những thay đổi sớm nhất và cũng rất đáng kể. Việt Nam may mắn là quốc gia có đông đảo người sử dụng Internest, các thiết bị thông minh và các mạng xã hội, nên toàn xã hội và đời sống gia đình được hưởng lợi nhiều từ tác động tích cực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hiện nay, trong hầu hết các gia đình Việt Nam, truyền đạt thông tin không nhất thiết phải thông qua giao tiếp trực tiếp, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, sức lực và chi phí.
Rất nhiều gia đình quản lý và giám sát hoạt động của trẻ em và tham gia vào giáo dục nhà trường bằng các công cụ thông minh; và điều đó đã nâng cao vai trò của gia đình trong giáo dục và cả trong chất lượng giáo dục.
Nhờ hỗ trợ của các công cụ kỹ thuật, mỗi gia đình cũng như mỗi thành viên gia đình trong giao tiếp với các cơ quan công quyền và với mạng lưới các dịch vụ xã hội… đã thực hiện được không ít công việc và thỏa mãn được rất nhiều nhu cầu, mà trước kia phải mất rất nhiều thời gian cho những hoạt động không cần thiết thì mới có thể thực hiện được. Phương thức sinh hoạt gia đình, nhờ vậy cũng đã thay đổi theo hướng thuận tiện hơn.
Cùng với các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, mạng lưới dịch vụ Y tế đã ít nhiều bảm bảo chắc chắn hơn và hiệu quả hơn đối với sức khỏe của người dân. Tư vấn y tế có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi. Các họat động khám chữa bệnh xuyên không gian, các kêu gọi trợ giúp trực tuyến, các phương án chia sẻ rủi ro… đang tác động làm thay đổi quan niệm về y tế trong từng gia đình.
Trẻ em là lớp người được quan tâm sớm nhất và có nhiều dịch vụ xã hội nhất trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, khiến cho cách thức nuôi dưỡng và giáo dục trẻ của mỗi gia đình thay đổi gần như khác hẳn so với trước kia.
Với mạng lưới giao thông, các dịch vụ xã hội thuận tiện đã đến tận từng hộ gia đình, nên việc thực hiện các di chuyển không gian từ phạm vi địa phương đến thế giới đã trở nên đơn giản hơn trước rất nhiều.
Chế độ làm việc và sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, hiện nay đã được giải phóng rất nhiều khỏi những ràng buộc mà mỗi gia đình nếu không cảm thấy thuận tiện, thì có thể loại bỏ.
Dân chủ ngoài xã hội tăng lên, dân chủ trên mạng xã hội phát triển cũng kéo theo dân chủ trong gia đình phát triển.
Đó là những nét tích cực chủ yếu của đời sống gia đình trong sự tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng chính những tác động tích cực này lại làm con người với con người dường như xa cách nhau hơi. Đối với các thế hệ trong gia đình thì điều này vi phạm trực tiếp đến giá trị gia đình truyền thống.
Cha mẹ không có thời gian dành cho con cái, các thành viên trong gia đình hạn chế giao tiếp, trao đổi tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, mọi người đều dành thời gian cho điện thoại và mạng xã hội… Trong nhiều gia đình, sau giờ làm việc ở công sở hoặc doanh nghiệp, mọi người chỉ kịp chào hỏi, ăn uống rồi say sưa với thế giới online của mình. Sự xa cách vô hình giữa các thế hệ, thậm chí giữa vợ và chồng ngày càng có vẻ tăng thêm. Tất nhiên, sự xa cách vô hình ít nhiều giải phóng cá nhân, mở rộng biên giới của tư do, nhưng nó tác động khá tiêu cực tới giá trị gia đình.
Theo truyền thống gia đình Việt Nam, các thế hệ trong gia đình có trách nhiệm và niềm vui kính trọng, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau. Tuy nhiên, hiện nay dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, đạo đức vợ chồng, tình thương yêu anh chị em, thái độ kính trên nhường dưới, tức là khá nhiều chuẩn mực đạo đức của gia đình đã bị suy giảm. Không gian rộng mở hơn đối với cá nhân nhưng thu hẹp đối với gia đình: buồng riêng của trẻ nhỏ thường tách biệt, các kênh giao tiếp riêng qua điện thoại và mạng xã hội thường xuyên kết nối, những người lớn tuổi trở nên cô đơn hơn, nhu cầu, sở thích và sự quan tâm rất đa dạng và riêng rẽ. Con trẻ dường như nhanh khôn hơn nhưng không thích nghe lời, không quan trọng sự khuyên bảo của thế hệ lớn tuổi. Một số người già bị ngược đãi bởi chính con cháu và người thân. người già.
Phân công trách nhiệm thành viên trong gia đình trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng ít nhiều đã thay đổi: con cái ngày nay thường không trực tiếp chăm sóc cha mẹ, biểu hiện của đạo hiếu không nhất thiết phải như truyền thống. Các dịch vụ giám hộ người già, người bệnh, người cô đơn… bắt đầu được chú ý. Các viện dưỡng lão tăng thêm, nhiều cơ sở tốt, nhưng cũng không ít cơ sở hoạt động thiếu trách nhiệm. Các lễ nghi, phép tắc trong gia đình, những lề thói truyền thống… ít được tuân thủ. Trẻ nhỏ được nuông chiều và tính ích kỷ, ỷ lại và đua đòi… dường như tăng lên. Người già khi sức khỏe kém ngày càng cô đơn. Chức năng giáo dục gia đình vẫn được chú ý, nhưng ưu tiên vẫn phải dành cho giáo dục trong nhà trường, nên những chuẩn mực gia đình, văn hóa gia đình, nền nếp gia đình… cách biệt nhau khá xa giữa các gia đình.