Đến nay, gần 5 tháng từ khi thế giới xuất hiện bệnh nhân đầu tiên của Virus Corona (COVID- 19) đầu tiên từ Vũ Hán, Trung Quốc, có thể nói đại dịch này đã tác động vô cùng to lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội nói chung của cả thế giới. Ở Việt Nam, chúng ta vừa kết thúc đợt “cách ly xã hội” đầu tiên trong 15 ngày, có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính Phủ, sự đồng lòng của toàn dân tộc, chúng ta đã và đang làm rất tốt công tác phòng chống đại dịch toàn cầu này. Tuy nhiên, không khó để nhận ra, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (COVID- 19) đã làm đảo lộn cuộc sống của các gia đình trên khắp cả nước. Không thể đi làm, trường học đóng cửa, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề….cùng với nỗi lo dịch bệnh khiến nhiều gia đình, nhiều cộng đồng lâm vào khủng hoảng.
Hàng triệu người nhiễm, hàng trăm nghìn người chết đại dịch COVID -19 thực sự là thảm họa trên toàn thế giới. Trong cơn bão dịch, vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn một nơi bình yên để ẩn nấp đã là hạnh phúc! Và nhiều người giữa những bộn bề lo toan đã tự tạo cho mình niềm vui nho nhỏ để cuộc sống bớt u ám, bằng những thú vui mà thường ngày cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền hay những xa hoa hào nhoáng khiến họ không muốn hoặc không có thời gian để làm. Cùng nhau nghe nhạc, đọc sách, cùng nhau dọn dẹp, trồng cây, nấu nướng và thưởng thức những món ăn ưa thích do chính tay mình hoặc người thân mình nấu, ngắm những bông hoa, vườn rau do tự tay gieo trồng…là một trong những thú vui nở rộ trong thời…COVID. Người ta gọi nôm na là “Sống chậm”
Có thể dễ dàng thấy sự thay đổi lớn lao này chỉ bằng vài cái di chuột trên Facebook hay các trang mạng xã hội khác. Không còn những bức ảnh sống ảo du lịch chỗ này chỗ kia khám phá vùng đất mới, cũng không có những check- in nhà hàng đây quán nọ sang chảnh, thay vào đó là hình ảnh những bữa cơm gia đình giản dị mà ấm cúng, những hình ảnh cùng nhau đọc sách, thưởng trà, cùng nhau dạy con cái học hành, làm đồ chơi handmade….
Các hội nhóm trên Facebook được mùa nở rộ.”Yêu bếp”, “Nghiện nhà” rồi lại ” Ghét bếp, không nghiện nhà” là những hội nhóm ra đời trong mùa COVID và có sự phát triển thành viên nhanh chóng nhất. Dễ dàng nhận thấy, các hội, nhóm này đều liên quan đến “GIA ĐÌNH”. Chứng tỏ, gia đình đã khẳng định được vị trí của mình, như vốn nó phải có.
Cùng với các hội nhóm, là các cuộc thi “Việc nhà có anh”, “Cả nhà bày trò”, “Cha mẹ thay đổi” thu hút hàng trăm, hàng nghìn người tham gia thực sự mang sức ảnh hưởng to lớn trên mạng xã hội. Các cuộc thi này đã lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, coi việc giúp đỡ san sẻ việc nhà với nhau là niềm vui, là thể hiện tình yêu thương.
Không chỉ là những hình ảnh khoe sự khéo tay hay làm, khoe chồng đảm, vợ hiền mà còn có cả những hình ảnh, những câu chuyện cười ra nước mắt và những món ăn “bất bại” (Thực ra là thật bại). Sau những trận cười vô thưởng vô phạt đó người ta dễ dàng hình dung ra hình ảnh người phụ nữ, và cả rất nhiều đàn ông tất bật, lăn lộn trong bếp vì những bữa cơm gia đình ấm cúng. Đằng sau những món đồ tự làm thật khó tưởng tượng ra hình dạng, chức năng nhưng là mồ hôi công sức của cha mẹ, mong muốn mang niềm vui đến cho con cái của mình. Kết quả nhận được không phải là giải thưởng giá trị hay những lượt “like” (yêu thích), “share” (chia sẻ) mà chính là việc chúng ta vượt qua những rào cản, những bỡ ngỡ ban đầu để chia sẻ và thấu hiểu, để giữ lại và trân trọng những giá trị tinh thần đáng quý. Bởi mỗi chúng ta không phải ai cũng là đầu bếp, không phải ai cũng có năng khiếu nghệ thuật hay mát tay trồng cây, cũng bởi mỗi chúng ta không phải ai cũng có đủ điều kiện và thời gian để “rèn luyện tay nghề” mỗi ngày. Chúng ta chỉ có tấm lòng, và cũng chỉ thế mà thôi!
Cuộc sống đời thường với bao tất bật, lo toan đôi khi kéo ta rời xa căn bếp, xa mái nhà thân yêu nhiều ngày, nhiều tháng. Rồi….Dịch ập đến. Là tai họa nhưng cũng là sự thức tỉnh mỗi con người, cho chúng ta nhận ra đâu mới là giá trị thực của cuộc sống. Hanh phúc là gì? Chẳng phải là khi nhìn thấy những người thân yêu của ta vẫn khỏe mạnh, bình yên bên ta, để có thể cùng nhau ăn một bữa cơm, uống một chén trà, cùng nhau nghe một bản nhạc quen, cùng nhau đọc một cuốn sách mới?
“Sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn” Đó là thông điệp ý nghĩa nhất trong giai đoạn khó khăn này.
Bởi, sau tất cả, gia đình vẫn là nơi bình yên nhất. Và, “gia đình là thứ tồn tại duy nhất, các thứ khác, có hay không không quan trọng!” (Trích câu nói của Phan Quân – Phim Người phán xử)
Vụ Gia đình